Ấn Độ siết xuất khẩu gạo, Việt Nam hưởng lợi?
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ, việc cấm xuất khẩu gạo và áp thuế suất sẽ khiến thị phần gạo của nước này bị rơi vào tay các nhà xuất khẩu gạo lớn khác.
Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, vừa quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo xuất khẩu khác. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang nỗ lực tăng nguồn cung và ổn định giá gạo trong nước.
Vụ lúa chính tại Ấn Độ sẽ thu hoạch vào tháng 10 này. Các tính toán hiện nay cho thấy, sản lượng gạo trong vụ mùa này dự kiến sẽ giảm khoảng từ 10 - 12 triệu tấn. Hạn hán được cho là nguyên nhân chính khiến sản lượng gạo của Ấn Độ sụt giảm như vậy. Diện tích canh tác lúa trong vụ mùa vừa qua tại Ấn Độ đã bị mất tới gần 40 triệu ha vì hạn hán.
Mặc dù sản lượng gạo của Ấn Độ trong năm nay được dự kiến vẫn đủ cho nhu cầu của 1,4 tỷ dân tại nước này, nhưng giới chức Ấn Độ cho rằng việc phải siết xuất khẩu gạo là không thể khác.
Năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu hơn 21 triệu tấn gạo, đứng đầu thế giới. Gạo xuất khẩu của Ấn Độ bằng tổng lượng của 4 nước xuất khẩu gạo lớn tiếp sau là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.
Các nguồn tin cho hay, hiện ngay lúc này, khoảng 1 triệu tấn gạo đang mắc kẹt tại các cảng của Ấn Độ khi các nhà buôn không chấp nhận việc Ấn Độ bất thình lình đánh thuế xuất khẩu 20% với các loại gạo ngoài Basmati. Các tính toán cho thấy gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong năm nay nhiều khả năng sẽ sụt giảm ít nhất 1/4 vì các bước đi này.
Gạo Ấn Độ chiếm tới 40% tổng sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Do đó, giới chuyên gia lo ngại nó sẽ đẩy giá lương thực vào đợt lạm phát mới. Trong khi Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ Krishna Rao cho rằng, việc thiết lập lệnh cấm và thuế suất như vậy sẽ khiến thị phần gạo của Ấn Độ bị rơi vào tay các nhà xuất khẩu gạo lớn khác hiện nay như Thái Lan và Việt Nam./.