Bánh trung thu “thời COVID”: Thu hẹp sản xuất, mở quầy online
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường bánh trung thu năm nay vắng bóng những quầy hàng lưu động trên đường phố. Thay vào đó, các quầy bánh online lại nhộn nhịp.
Bánh trung thu rộn ràng "chợ mạng"
Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết Trung thu, tuy nhiên, vì dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên hầu như vắng bóng các quầy hàng bán bánh lưu động trên đường phố.
Hiện tại, người tiêu dùng chỉ có thể mua bánh trung thu tại các hệ thống siêu thị hoặc trên "chợ mạng".
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tình hình kinh doanh bánh trung thu ở các siêu thị vẫn khá ảm đạm, nhiều siêu thị lớn cho biết không nhập nhiều hàng như mọi năm.
Còn trên các trang thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada… bánh trung thu được chào bán khá rộn ràng, với đầy đủ chủng loại, đa dạng về mùi vị và giá cả.
Bên cạnh các loại bánh từ các công ty sản xuất bánh kẹo truyền thống như Kinh Đô, Hải Hà, Hữu Nghị, Thu Hương… thì cũng có một lượng bánh trung thu được giới thiệu nhập khẩu từ Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc)…
Mức giá bánh dao động từ 30.000 - 80.000 đồng/chiếc, các dòng bánh cao cấp dao động từ 100.000 - 250.000 đồng/ chiếc. Hầu hết các loại bánh trung thu trên các sàn thương mại điện tử đều được giảm giá từ 10 - 30%.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Marketing Công ty CP Sản xuất Bảo Ngọc cho biết, năm nay ngoài bán bánh online qua các trang thương mại điện tử, công ty còn bán thông qua ứng dụng riêng của mình và tuyển cộng tác viên. "Ngoài việc bán hàng qua sàn, qua app, qua fanpage thì chúng tôi còn có cộng tác viên online. Đội ngũ này có khoảng vài trăm người và cũng đang bán hàng rất tốt", ông Hiếu cho biết.
Khảo sát nhanh của phóng viên VTV với những người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, dù dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến túi tiền của họ, cũng như việc giãn cách khiến không thể gặp nhau, nhu cầu biếu tặng vì thế cũng ít đi, nhưng nhiều người cho biết, vẫn phải có bánh trung thu trong nhà vào ngày Tết đoàn viên.
"Tết đoàn viên vẫn phải đủ lễ nghĩa. Tôi ưu tiên lựa chọn bánh với các thương hiệu nổi tiếng. Tầm giá khoảng 1 triệu đổ xuống là tôi thấy hợp lý", chị Lệ Hằng, một người tiêu dùng tại Hà Nội chia sẻ.
Doanh nghiệp truyền thống thu hẹp sản xuất
Tuy vẫn bán online, nhưng nhiều doanh nghiệp dự báo, mùa Trăng rằm năm nay sẽ "kém sắc" hơn hẳn mọi năm, thế nên, họ chỉ sản xuất "cầm chừng", với lượng chỉ bằng 20-30% so với các năm trước.
Bà Ngô Thị Tính, Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Bảo Minh cho biết, ước tính năm nay, công ty sẽ chỉ cung cấp lượng bánh bằng 1/3 năm ngoái bởi các khách hàng truyền thống của họ là các cơ quan, doanh nghiệp thì năm nay lượng đặt bánh rất ít do hầu hết đều tạm nghỉ hoặc làm việc tại nhà. Các quầy hàng không bày được nên họ chỉ còn lượng khách rất ít từ siêu thị và qua kênh online.
Bên cạnh dự báo sức mua yếu, doanh nghiệp cũng gặp khó về vấn đề nhân công. "Nhà máy ở TP Hồ Chí Minh sản xuất 3 tại chỗ thì không đủ nhân công, nhiều người nằm ở khu cách ly, phong toả còn ở ngoài Bắc thì năm nào cũng tuyển thêm lao động thời vụ, nhưng năm nay không tuyển được", bà Tính chia sẻ.
Trong khi các doanh nghiệp truyền thống kém mặn mà thì thị trường bánh trung thu năm nay lại chứng kiến sự gia nhập của nhiều tên tuổi đồ uống nổi tiếng như Highlands Coffee, Starbucks, Phúc Long… Hiện các thương hiệu này chủ yếu phân phối trên sàn thương mại điện tử, cùng mức chiết khấu từ 20-35%.
Ở phân khúc cao cấp còn có sự tham gia của nhiều khách sạn 4-5 sao. Ông Erwin R. Popov, Giám đốc điều hành Khách sạn Hà Nội Daewoo cho biết, với cùng kỳ này năm trước, họ hầu như đều kín đơn đặt bánh hoặc cháy hàng thì năm nay, mới chỉ phân phối được khoảng 30-40%, với dòng bánh gần 2 triệu đồng/hộp thì tốc độ còn chậm hơn.
"Chúng tôi lần đầu tiên đã đưa bánh lên bán trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Tiki. Điều này khiến cho các khách hàng các nơi như Hưng yên, Hải Phòng,… cũng đều có thể mua bánh", ông Erwin R. Popov nói./.