"Bí kíp" nâng giá trị thương hiệu từ trái xoài Đồng Tháp
VOV.VN - Đồng Tháp tập trung thu hút đầu tư nhà máy chế biến xoài và tổ chức lại sản xuất để nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân từ đó khẳng định hơn nữa thương hiệu xoài Đồng Tháp trên thị trường.
Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn trong vùng ĐBSCL với khoảng 14.000 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 169.000 tấn. Hiện nay, diện tích xoài được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và mô hình sản xuất hữu cơ ngày càng được mở rộng để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển ngành xoài đến năm 2025, sẽ thu hút đầu tư nhà máy chế biến xoài và tổ chức lại sản xuất để nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân và khẳng định hơn nữa thương hiệu xoài Đồng Tháp trên thị trường.
Xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của ĐBSCL, sản lượng hàng năm đạt khoảng 567.000 tấn, đóng góp lớn vào xuất khẩu xoài của cả nước. Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn ở khu vực ĐBSCL với khoảng 14.000 ha, sản lượng hơn 169.000 tấn/năm và đã được xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, EU.
Để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, sản phẩm xoài Đồng Tháp được đăng ký mã số vùng trồng với 327 mã số, tương đương gần 6.000 ha. Địa phương đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến việc sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt và ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc.
Ông Võ Văn Đen, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, để sản xuất xoài đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu, người dân đã không sử dụng phân hóa học như trước mà thay vào đó là sử dụng phân hữu cơ, canh tác xoài theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng. Chính điều này đã giúp cho trái xoài tăng cơ hội tiêu thụ, người dân có lãi và khẳng định được giá trị và thương hiệu trái xoài Đồng Tháp.
Cũng theo ông Võ Văn Đen, tín hiệu mà người dân thấy rõ nhất là thay đổi tư duy trong canh tác, xoài sản xuất theo quy trình nên được bao tiêu về đầu ra, không còn cảnh thấp thỏm lo âu về giá như trước. Đây là tín hiệu vui đối với bản thân ông cũng như người trồng xoài của Đồng Tháp những năm gần đây, khi những lô xoài đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới.
“Xoài Cát Chu và Hòa Lộc được sử dụng phân hữu cơ với thuốc sinh học, tuyệt đối không dùng thuốc hóa học và có Chứng nhận VietGAP. Sắp tới, người trồng xoài vẫn muốn có thêm thị trường thị trường tiêu thụ, cũng như liên tục được hỗ trợ về khoa học công nghệ cũng như công tác tìm kiếm thị trường”, ông Đen mong muốn.
Lô xoài đầu tiên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, TP Cao Lãnh được xuất khẩu sang thị trường châu Âu từ đầu năm 2022, điều này đã khẳng định thương hiệu xoài Đồng Tháp trên thị trường thế giới. Với việc liên kết với các hộ dân để sản xuất theo quy trình nông nghiệp, từng bước giúp HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới có nguồn cung ổn định, đáp ứng đủ số lượng cho các DN.
Ông Võ Tấn Bảo, Giám đốc HTX Tịnh Thới chia sẻ, lô xoài sang thị trường châu Âu vừa qua đã mở ra những cơ hội cho trái xoài tiếp cận nhiều hơn vào các thị trường khó tính khác trong thời gian tới.
“Trước đến nay HTX vẫn canh tác xoài theo hướng VietGAP, lấy mục tiêu an toàn là trên hết. Hiện tại, trong HTX có 138ha diện tích hiện có, xoài Cát Chu đã chiếm 90%. Từ khi xoài xuất khẩu thành công đã tăng thu nhập cho nông dân, càng thúc đẩy HTX cố gắng liên kết sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng và số lượng nhiều để tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước”, ông Bảo nêu định hướng.
Xoài là một trong những ngành hàng nằm trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp, địa phương đã ban hành kế hoạch về phát triển sản phẩm xoài, nhằm cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở tổ chức lại sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người dân. Trong kế hoạch phát triển ngành hàng xoài đến năm 2025, Đồng Tháp đã hướng đến 100% diện tích được cấp mã số vùng trồng và đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, gắn với truy xuất nguồn gốc.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đề án phát triển ngành hàng xoài đang được thực hiện rất mạnh mẽ. Các nhà vườn đã chuyển sang trồng xoài theo hữu cơ theo chuẩn GlobalGAP, VietGAP để đáp ứng được các nhu cầu của thị trường thế giới.
“Bằng sự quyết tâm đưa tất cả vùng xoài có mã vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa vào các thị trường, Đồng Tháp khuyến khích nông dân phát triển các khâu chế biến để tạo thành những sản phẩm OCOP, từ đó nâng cao giá trị trong quá trình phát triển ngành hàng xoài trong thời gian tới”, ông Nghĩa khẳng định.
Trong chiến lược phát triển ngành hàng xoài đến năm 2025, Đồng Tháp đặt ra mục tiêu nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng xoài, đồng thời khai thác tiềm năng chế biến sâu để tăng thêm hiệu quả của chuỗi giá trị. Để thực hiện được điều này người dân, các DN cần liên kết để tạo ra vùng nguyên liệu lớn đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, khi có sự đồng hành của chính quyền trong hỗ trợ nguồn tín dụng cho DN, để hình thành các cụm chế biến công nghệ cao liên kết với vùng nguyên liệu sẽ là bước đi vững chắc để xây dựng thương hiệu xoài Đồng Tháp vững chắc trên thị trường./.