Cần xem lại quỹ bình ổn xăng dầu
Các chuyên gia nhận định, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ít hiệu quả, vì thế cần xem xét lại cách thức hoạt động của quỹ này để đảm bảo quyền lợi người dân.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, vấn đề hiện nay trong điều hành giá xăng dầu chính là việc bỏ bớt các nấc trung gian của giá xăng.
Theo đó, cần xem xét việc bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (QBO) hiện nay do quỹ này thời gian qua chưa cho thấy vai trò phát huy hiệu quả thực sự. Đề xuất bỏ QBO giá xăng dầu cũng đã được đại biểu Quốc hội đề xuất trong thời gian qua.
Cần xem lại quỹ bình ổn xăng dầu. (Ảnh minh họa: KT). |
Điểm bất hợp lý hiện nay trong hoạt động của QBO đó là trong bất cứ bối cảnh giá xăng dầu tăng hay giảm, người tiêu dùng đều phải đóng tiền vào quỹ 300 đồng/lít mỗi lần mua xăng, dầu. Tiền quỹ để ở ngân hàng, nếu dương sẽ được tính lãi tiền gửi, nếu âm, bị ngân hàng tính lãi suất.
Theo các chuyên gia, việc loại bỏ quy định đóng QBO sẽ giúp người tiêu dùng trực tiếp tiết kiệm được 300 đồng/lít xăng trong bối cảnh giá xăng dầu không có biến động. Khi giá xăng dầu tăng mạnh, người tiêu dùng sẵn sàng dùng chính số tiền họ tiết kiệm qua các lần không đóng quỹ trước đó để nộp.
Việc áp dụng chi phí định mức 1.050 đồng/lít với mặt hàng xăng, 950 đồng với dầu diesel và dầu hỏa và 600 đồng/kg với dầu madút như hiện nay cũng cần xem xét lại. Về mặt kinh doanh, việc đưa ra một khung định mức cứng như hiện nay sẽ khó tạo sự cạnh tranh, đổi mới năng lực tự thân của các doanh nghiệp.
Với những doanh nghiệp lớn, nếu tiết giảm chi phí, có mô hình quản lý hiệu quả, mức chi phí định mức này sẽ được tiết giảm, đồng nghĩa, người tiêu dùng có thể phải trả ít tiền hơn mỗi khi mua xăng dầu.
“Còn nếu để cố định như hiện nay, người tiêu dùng không thể biết được doanh nghiệp vận hành có hiệu quả hay không, chi phí các khoản của doanh nghiệp có minh bạch hay không.
Chúng ta đang xây dựng sự minh bạch trong kinh doanh xăng dầu thì cũng cần hướng đến cả những tiêu chí đổi mới, nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp”, một chuyên gia cho biết./.
“Không nên tồn tại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, vì không hỗ trợ nhiều cho thị trường. Khi giá thấp lại tăng trích vào quỹ, giá vẫn không giảm là bao. Hơn nữa, vấn đề sử dụng quỹ lâu nay thiếu minh bạch, không có đánh giá sử dụng có hiệu quả không và thực sự có bình ổn cho xã hội hay không?”.
TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).