Cây nho đen - hướng phát triển kinh tế mới cho người dân Than Uyên
VOV.VN - Được trồng trên chân ruộng một vụ ở xã Hua Nà, huyện Than Uyên (Lai Châu), vườn nho Hạ đen đang cho những lứa quả ngọt đầu tiên, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng tại địa phương.
Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhiều gió trong năm, huyện Than Uyên (Lai Châu) là vùng đất được xác định sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp, nhất là đối với những cây trồng mới.
Thế nhưng, với sự quyết tâm cùng khát vọng khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên và người dân, mô hình trồng cây lạ nho Hạ đen đã bám rễ trên đồng đất tại địa phương. Những lứa quả ngọt đầu tiên từ mô hình đã cho thu hoạch, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng tại địa phương.
Được trồng trên chân ruộng một vụ ở xã Hua Nà, huyện Than Uyên (Lai Châu), vườn nho Hạ đen do đoàn viên thanh niên địa phương làm chủ đang trong thời kỳ chuyển màu quả để cho thu hoạch lứa đầu tiên. Chưa bao giờ người dân nơi đây nghĩ rằng có một ngày giống cây trồng này lại phát triển thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế cao đến vậy.
Chị Chang Thị Nhung, dân tộc Thái, ở bản Đán Đăm, xã Hua Nà, huyện Than Uyên chia sẻ, với chân ruộng một vụ ở địa phương, dù bà con nông dân có cần cù, chịu khó đến mấy thì may mắn được mùa lúa, thu hoạch cũng chỉ đủ ăn. Vườn nho đã được cơ quan chuyên môn của huyện về thực nghiệm và xác định là hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Quả có vị ngọt thanh, năng suất của vườn 1.000m2 được tính cho khoảng 1,6 tấn quả và giá bán dự kiến khoảng 200.000 đồng/kg:
"Qua mô hình trồng nho tôi thấy rất là hiệu quả và mong muốn là gia đình được học tập để làm theo. Tôi cũng rất mong sẽ được nhà nước hỗ trợ, quan tâm hướng dẫn và thực hiện nhiều mô hình trồng cây khác như mô hình trồng cây như thế này để bà con phát triển kinh tế" - chị Nhung bày tỏ.
Do diện tích đất nông nghiệp ở địa phương còn ít, nên nhiều năm nay Hua Nà đã xác định tìm giống cây trồng mới để tăng giá trị kinh tế cho bà con nông dân. Từ các mô hình của tỉnh, huyện, đến nay chính quyền địa phương đã triển khai trồng nhiều loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: Lúa Séng cù, dưa bao tử, dưa Hoàng kim, ổi Hua Nà... giúp bà con nông dân từng bước nâng cao thu nhập.
Bà Lê Thị Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hua Nà, huyện Than Uyên cho biết, địa phương không xác định phát triển chuyên canh một giống cây mà sẽ xây dựng, phát triển vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Thực tế là từ các mô hình giống cây mới, bà con đã nhân rộng và phát triển thành các thương hiệu của địa phương như Ổi Hua Nà có tiếng trong vùng. Mô hình Nho Hạ đen cũng đã bén rễ trên đồng đất của Hua Nà với 450 gốc trồng trên chân ruộng 1 vụ lúa và bước đầu cho lứa quả ngọt.
"Đây là năm đầu tiên chúng tôi được thu hoạch mô hình nho Hạ đen này. Chúng tôi cũng đã thấy đây là mô hình đạt được hiệu quả kinh tế rất là cao trên 1 đơn vị diện tích. Trong thời gian tới chúng tôi cũng có hướng mở rộng diện tích; ngoài ra cũng triển khai khoa học kỹ thuật cho bà con nhân dân để bà con nhân dân triển khai trồng trên diện rộng" - bà Hạnh cho biết thêm.
Cùng với mô hình trồng nho Hạ đen, đến nay, trên địa bàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã có hàng chục mô hình trồng, nuôi những giống cây con giống mới cho hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình thực hiện ban đầu đều do lực lượng đoàn viên thanh niên địa phương làm chủ như: nuôi cá lồng, ổi, bưởi, nho... Sau khi các mô hình có hiệu quả, được người dân địa phương đồng thuận, học hỏi rồi mới mở rộng diện tích cho các hộ nông dân. Đến nay các mô hình đều mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động người địa phương.
Anh Đỗ Văn Tuấn, Phó Bí thư Huyện Đoàn Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: "Trong thời gian tới phía Huyện đoàn Than Uyên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND xã Hua Nà cũng như là đơn vị khác để tiếp tục mở rộng triển khai mô hình cây nho Hạ đen. Ngoài ra, Huyện đoàn cũng triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao khác cho đoàn viên thanh niên trong huyện nhà để phát triển kinh tế; tạo công ăn việc làm cho đoàn viên thanh niên và nhân dân trên địa bàn".
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, như làm nhà giàn có mái che, hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây, chăm sóc kỹ chu trình phát triển… nên cây nho phát triển đồng đều. Ngoài cây nho Hạ Đen, hiện nay tại vườn còn có 50 gốc nho Mẫu Đơn và nho Móng Tay đang phát triển tốt. Vườn nho Hạ đen đang được mở cửa để tổ chức mô hình du lịch trải nghiệm, vừa quảng bá sản phẩm, vừa tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài tỉnh cũng như nhân dân trên địa bàn tham quan, học hỏi để nhân rộng trong thời gian tới./.