Chế ngự đường nhập khẩu bán phá giá, mía đường Việt Nam có cơ hội khởi sắc
VOV.VN - Hiện giá thu mua mía, giá đường đã tăng đáng kể và vùng nguyên liệu mía đã từng bước được phục hồi, giúp nông dân và doanh nghiệp giảm dần áp lực cạnh tranh.
Năm 2020, Việt Nam bắt đầu thực thi cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN ATIGA đối với sản phẩm mía đường với mức thuế nhập khẩu 5% từ các nước ASEAN. Từ đây, đường nhập khẩu từ Thái Lan với khối lượng lớn và giá rẻ ồ ạt tràn vào đã gây ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất mía đường trong nước. Hàng chục nhà máy đường do không thể cạnh tranh với đường nhập khẩu đã lâm vào cảnh thua lỗ phải đóng cửa, hàng nghìn công nhân mất việc làm cùng hàng vạn hộ dân trồng mía lâm vào cảnh khó khăn.
Trước tình hình đó, 6 nhà máy đường với đại diện là Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan. Sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, tháng 6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng bước thuế phòng vệ thương mại là 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Quyết định này đã giúp giá đường sản xuất trong nước tăng lên, giá thu mua mía của nông dân cũng tăng thêm từ 100.000 - 200000 đồng/tấn.
Tại buổi tọa đàm có chủ đề “Thực trạng ngành mía đường Việt Nam sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại” do Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Tạp chí Công Thương tổ chức chiều 30/12, ông Võ Văn Út - đại diện cho các hộ nông dân trồng mía tại tỉnh Phú Yên cho biết, những năm trước giá thu mua mía giảm thấp do giá đường không cạnh tranh được khiến bà con nông dân trồng mía ở Phú Yên khó khăn điêu đứng, diện tích cây mía giảm dần qua từng năm.
“Sau khi nhà nước có kết luận điều tra chống bán phá giá chống trợ cấp và quyết định áp thuế chính thức đối với đường có xuất xứ Thái Lan, nhà máy đã nâng giá mía niên vụ 2021 - 2022 cao hơn 100.000 đồng/tấn so với vụ trước. Với giá mía như hiện nay, đời sống bà con nông dân dần được cải thiện và khi có lợi nhuận, nhiều người dân Phú Yên sẽ mở rộng thêm diện tích trồng mía”, ông Út tin tưởng.
Là 1 trong 6 doanh nghiệp (DN) mía đường trong nước có đơn kiến nghị điều tra đường Thái Lan nhập khẩu, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang) cho hay, từ chỗ có 2 nhà máy, công ty đã phải đóng cửa 1 nhà máy. Nếu trong niên vụ 2020 - 2021 không có quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại kịp thời đối với sản phẩm đường nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh, giúp giá đường trong nước tăng trở lại thì chắc chắn nhà máy còn lại cũng sẽ phải đóng cửa và DN phá sản.
“DN xác định trong bối cảnh hội nhập quốc tế luôn phải cập nhật thông tin, nhận biết sớm dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh để kịp thời đề xuất với nhà nước có những biện pháp phòng vệ thương mại, tạo sự công bằng cho ngành sản xuất mía đường trong nước. Rất mong nhà nước sẽ tiếp tục có những biện pháp cảnh báo, phòng ngừa đối với sản phẩm đường nhập khẩu để các DN kịp thời có biện pháp ứng phó”, ông Minh mong muốn.
Giá mía, đường đã tiệm cận với các nước trong khu vực
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sau khi Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan, giá mía, giá đường đã tăng đáng kể, vùng nguyên liệu mía đã từng bước được phục hồi, người nông dân và các DN sản xuất mía đường cũng giảm dần áp lực cạnh tranh.
“Hiệp hội đã khuyến cáo các nhà máy nâng giá thu mua mía nhằm kéo lại việc giảm diện tích trồng mía. Nếu diện tích mía tiếp tục giảm, nhà máy chế biến đường sẽ không còn giá trị, chỉ có tác dụng chặn đà suy thoái của cả một ngành sản xuất. Điều vui mừng là giá đường của Việt Nam bắt đầu tiệm cận giá các nước trong khu vực, giá thu mua mía của ngành mía đường Việt Nam đối với người dân đang bằng giá thu mua tại Indonesia, Philippines”, ông Lộc khẳng định.
Đề cao các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các ngành sản xuất trong nước nói chung, ngành mía đường nói riêng, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, với sự tác động của biện pháp phòng vệ thương mại cùng nỗ lực của các DN, giá thu mua mía cho người trồng mía đã được nâng lên, vừa đảm bảo sinh kế cho người dân lại vừa đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy.
Tuy nhiên, ông Trung cũng cho rằng, trong xu thế hội nhập hiện nay, ngoài việc vận dụng linh hoạt các biện pháp phòng vệ thương mại đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bản thân các DN ngành mía đường, người trồng mía cũng cũng cần phải tiếp tục nâng cao năng lực để có thể là cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu.
“Phòng vệ thương mại không phải là biện pháp ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu mà hướng đến mức giá công bằng. Muốn có được sự bình đẳng, các DN ngành mía đường cần nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại của chính mình. Các cơ quan quản lý nhà nước luôn đồng hành cùng với các DN, cùng người dân trong tình hình mới bằng các khuyến cáo, giải pháp ứng phó kịp thời và cụ thể để cùng phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ cho ngành mía đường phát triển”, ông Trung khẳng định./.