Cơ hội phát triển làng nghề đan lát của đồng bào Khmer
VOV.VN - Hướng thành lập hợp tác xã đan lát có liên kết với doanh nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các sản phẩm của làng nghề tiếp cận và tiêu thụ tốt tại nhiều thị trường mới.
Ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành là vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống của tỉnh Sóc Trăng. Tại đây có làng nghề đan lát (có nơi gọi là đan đát - PV) tre nứa truyền thống nổi tiếng, đã giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo, vươn lên ổn định đời sống. Mặc dù nghề đan lát tại đây trải qua nhiều thăng trầm, nhưng trong những năm qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương và nỗ lực truyền nghề của những người đi trước mà nghề truyền thống này tiếp tục được duy trì cho đến nay.
Chị Trần Thị Phiên, một trong những người gắn bó với nghề đan lát truyền thống từ bé cho biết, trung bình mỗi ngày, 1 người đang thành thạo có thể đan được khoảng 6 cái cần xé nhỏ, nếu cần xé cỡ lớn thì làm được khoảng 1 cặp, trừ chi phí tre trúc sẽ có nguồn thu nhập trên 100.000 đồng.
Với những chị em phụ nữ và những người lớn tuổi tại phum sóc, đan lát là một công việc khá phù hợp khi không tốn nhiều sức lao động, lại có thể chủ động về mặt thời gian, vừa chăm sóc con cháu lại kiếm thêm thu nhập phụ cho gia đình. Nghề đan lát được mọi người trong xóm truyền dạy nhau nên mỗi ngày sản phẩm làm ra càng đa dạng, đẹp mắt.
Là nghề truyền thống với biết bao thế hệ đã gắn bó với cây tre, cây trúc, nhưng từ trước tới nay, việc vận chuyển các sản phẩm được làm ra từ làng nghề mang đi tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn. Bởi là mặt hàng thủ công, lại làm theo từng hộ riêng lẻ nên khi đủ số lượng, bà con mới có thể thuê xe để vận chuyển đến cơ sở thu mua tại thành phố Sóc Trăng, hoặc các huyện, các tỉnh lân cận, tốn nhiều chi phí lại hao hụt nếu bị hư hỏng hay gãy ngã.
Năm nay, làng nghề đã hình thành cơ sở thu mua sản phẩm đặt ngay tại trung tâm xã Phú Tân, tạo điều kiện cho bà con phát triển nghề khi được cung cấp nguyên liệu, được thu mua sản phẩm, tiết kiệm được chi phí vận chuyển lại yên tâm về đầu ra.
Đại diện cơ sở thu mua sản phẩm đan lát tại xã Phú Tân cho biết, nhận thấy nguồn lao động tại làng nghề khá lớn; trong đó chủ yếu là chị em phụ nữ có tay nghề, khéo léo khi tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, đẹp mắt nên đã mạnh dạn dời cơ sở từ Phường 8, thành phố Sóc Trăng về mở xưởng sản xuất, thu mua tại xã Phú Tân, với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp làng nghề truyền thống không ngừng phát triển.
Hiện cơ sở thu mua đang có hơn 100 sản phẩm với đủ các mặt hàng từ hàng tiêu dùng cho đến hàng trang trí, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú mẫu mã, thiết kế. Ngoài thu mua sản phẩm của làng nghề, cơ sở còn cung cấp nguyên liệu để người dân làm gia công tại nhà theo đơn đặt hàng, đưa sản phẩm thủ công của làng nghề ngày càng vươn xa đến nhiều địa phương và xuất khẩu ra nước ngoài.
Từ khi có cơ sở sản xuất và thu mua sản phẩm, làng nghề xã Phú Tân trở nên nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều gia đình, nhất là các chị em phụ nữ, người già đã yên tâm làm những mặt hàng rổ, rá, nia, sàn, cần xé mà không cần lo lắng đến vấn đề mang đi tiêu thụ.
Bà Châu Hồng Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành cho biết, Hội sẽ kết nối với các ngành cũng như các cơ sở thu mua sản phẩm hướng tới tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, nhất là chị em phụ nữ, để sản xuất ra những sản phẩm thủ công ngày càng chất lượng, phong phú, đa dạng, không chỉ tạo thu nhập ổn định cho bà con mà còn phục vụ cho khách tham quan, du lịch, tạo điểm nhấn cho các tour, tuyến du lịch trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
“Sắp tới Hội sẽ có kết nối, đề xuất với Phòng Nông nghiệp huyện cũng như phối hợp với Đảng ủy, Ủy ban hướng tới sẽ thành lập Hợp tác xã đan lát để có sự kết nối giữa doanh nghiệp, cơ sở cùng với địa phương giúp đỡ cho cơ sở, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định đời sống”, bà Hoa cho biết.
Đến làng nghề đan lát truyền thống tại xã Phú Tân giờ đây, mọi người sẽ không chỉ được tận mắt tham quan công việc đan tre trúc thủ công mà còn có thể được chiêm ngưỡng một không gian nghệ thuật với đầy đủ những mặt hàng mây tre, đan đát được thu gom tập trung tại cơ sở thu mua.
Từ nơi này, những sản phẩm từ làng nghề truyền thống xã Phú Tân sẽ vươn xa và được đến với nhiều nơi, nhiều vùng miền trên cả nước, mở ra những triển vọng mới cho một làng nghề, góp phần tạo nên nét đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần và là nét văn hóa đặc trưng cho vùng đất có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống từ bao đời nay./.