Gốm Hương Canh - sức sống của một làng nghề thủ công truyền thống
VOV.VN - Dẫu còn đầy gian nan cho hành trình trở lại của làng nghề, song mạch nguồn gốm Hương Canh đang trở lại đanh, chắc và lại mang cả hơi thở đương đại.
Là quốc gia nông nghiệp gắn với nghề thủ công truyền thống, trên khắp cả nước ta đâu đâu cũng có thể tìm thấy các làng nghề làm gốm. Có thể kể đến những địa danh nổi tiếng, sản phẩm nức tiếng gần xa như: Phủ Lãng, Bát Tràng, Bàu Trúc, Phước Tích…
Gốm không nơi nào giống nơi nào, đều có nét độc đáo đặc trưng riêng do thổ nhưỡng, khí hậu, những nét văn hóa khác nhau. Sản phẩm gốm thậm chí đã đi vào ca dao, tục ngữ như: “Ai về mua vại Hương Canh. Ai về mình gửi cho anh với nàng”.
Ngay gần thủ đô Hà Nội, có một làng nghề làm gốm tuổi đời ngót 300 năm, ở đó người dân ngày ngày vẫn đang giữ gìn văn hóa và cái nghề thủ công truyền thống của cha ông, nhưng cũng tìm cách thích ứng với nhịp sống hiện đại.
Hương Canh hôm nay giống như nhiều làng quê Việt. Đó là sự đan xen, xâm lấn của cuộc sống đô thị hiện đại với những dãy nhà cao tầng, chợ búa, hàng hóa, siêu thị, ngân hàng.... bên cạnh những cây đa, giếng nước, sân đình đặc trưng của làng quê Việt xưa. Rẽ vào con ngõ nơi có xưởng gốm Quang, người ta lại càng thấy nét quê hiện rõ. Gạch, ngói, bình, vại, thậm chí cả tiểu sành đồng hiện trên một bức tường rào. Là xưởng gốm nổi tiếng nhất làng, gốm Quang nằm ở vị trí chính giữa ngôi làng.
Vị trí này, theo nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang, tác động không nhỏ tới việc giữ nghề của gia đình và bản thân anh. Đổi mới, những nghề truyền thống như làm gốm ở Hương Canh không còn được bao tiêu đầu ra, không còn làm theo mô hình hợp tác xã, thêm vào đó là những khó khăn của thị trường tiêu thụ khiến cả làng lao đao. Người quay về với đồng ruộng, người đi làm ăn xa xứ, thanh niên lớn lên thì vào khu công nghiệp. Nhưng có một điều đã kéo chàng trai trẻ Nguyễn Hồng Quang bỏ trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp để trở về với nghề gốm truyền thống.
Thời điểm đó, cả làng chỉ còn 3 gia đình duy trì nghề gốm. Rồi sau đó, một tổ chức phi chính phủ tìm đến với dự án khôi phục nghề truyền thống. Anh Quang được họ hỗ trợ đi một hành trình xuyên Việt, qua nhiều làng nghề gốm khắp cả nước để hiểu đặc trưng của từng chất gốm.
Cùng với đó, anh Quang cũng dược tiếp cận thêm các khái niệm về thị trường, về cân bằng cung cầu, về việc phải giữ nét độc đáo, riêng có của gốm Hương Canh. Một khóa học trung cấp nghề gốm mỹ thuật của tỉnh Vĩnh Phúc thêm một lần nữa giúp anh gặp những thầy giáo trường Mỹ thuật Công nghiệp, để thấy rằng gốm truyền thống muốn đi xa không thể chỉ xoanh quanh chum, vại gia dụng, cần giá trị mỹ thuật, sáng tạo trong từng sản phẩm.
Đặc trưng lớn nhất của gốm Hương Canh nằm ở màu tự thân nhờ nguyên liệu đất trầm tích lắng đọng tự nhiên, dưới tác động của nhiệt sẽ trở nên bền chắc. Gần 300 năm qua, người Hương Canh vẫn hoàn toàn làm gốm thủ công bằng tay, sử dụng bàn xoay để tạo tác, nhờ đó mà mỗi người thợ đều có thể đưa vào những sáng tạo, ý tưởng riêng tạo nên sự khác biệt cho từng sản phẩm. Đến chặng vào lò thì ở một vài điểm, dưới tác động của nhiệt đốt thủ công sẽ tạo nên màu hỏa biến cho sản phẩm, để khi ra đời, gốm trở thành độc bản.
Nghệ nhân Hồng Quang, bằng tình yêu, đam mê và cả một chút chất “dị” như anh em trong nghề vẫn nói, đã đưa gốm Hương Canh lên một tầm cao mới. Đất - nguyên liệu làm gốm không dùng ở dạng thô như thời các cụ mà qua lọc rửa. Anh Trần Văn Thanh, anh rể cùng làm ở xưởng gốm Quang đánh trần múc từng xô đất đổ qua rây lọc, mồ hôi túa đẫm trên lưng, chảy dọc gương mặt đỏ bừng. Về làm dâu làng gốm, chị Nguyễn Thị Minh, vợ nghệ nhân Hồng Quang đã quen hầu hết các phần việc trong công đoạn làm gốm, và quan trọng hơn cả là ngấm tình yêu với cái nghề thủ công truyền thống của làng.
Cách xưởng gốm Quang không xa là xưởng của mẹ anh, một trong những nghệ nhân được trao truyền và lưu giữ những bí quyết đặc trưng của nghề. Bà vẫn tiếp tục làm gốm trên khu đất cha truyền, vẫn kiên trì với những sản phẩm truyền thống mà giờ người ta gọi là đồ gia dụng như hũ, bình, vại… Và đôi khi là một vài sản phẩm sáng tạo của riêng mình. Con gà, con lợn, hoa lá cỏ cây dưới bàn tay của người nghệ nhân già có nét đặc biệt riêng, đó là sự giản dị, mộc mạc, hồn hậu như con người Hương Canh.
Bà Giang Thị Nhạn, người phụ nữ gánh nghiệp nghề có gương mặt phúc hậu, nụ cười giống một nhà thơ nổi tiếng từng viết: “như mùa thu tỏa nắng” tự hào khi nói về công việc, về tương lai, về nghề gốm: “Vui lắm, nghề vẫn phải làm, có cái là làm ít làm nhiều, bên Quang làm hàng mỹ thuật, đầy hàng, vất có đầy niềm vui, xây dựng lại cái nghề của làng Hương Canh gần chết rồi, giờ mình dựng được lên…”
Dẫu còn đầy gian nan cho hành trình trở lại của làng nghề, song mạch nguồn gốm Hương Canh đang trở lại đanh, chắc và lại mang cả hơi thở đương đại. Từ 3 đã thành 7 hộ làm gốm, vẫn thủ công nhưng không bảo thủ, vẫn truyền thống nhưng không thủ cựu. Và quan trọng nhất là làng gốm đã, đang và sẽ có những người giữ nghề bằng tình yêu, đam mê./.