Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán
VOV.VN - Phó Chủ tịch VCCI nhận định, thời gian gần đây cùng với hướng phục hồi của điểm số, chính trong thử thách, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đón nhận sự trở lại của khối nhà đầu tư nước ngoài.
Chiều 29/6, tại Hà Nội diễn ra toạ đàm "Đầu tư tài chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán". Các ý kiến tại toạ đàm cho rằng, về cơ hội cho lĩnh vực chứng khoán trong khó khăn thách thức vẫn có nhiều cơ hội khi kinh tế phục hồi, lạm phát cơ bản được kiểm soát.
6 tháng qua, nước ta tiếp tục ghi nhận tăng trưởng GDP tích cực, ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát theo mục tiêu, môi trường kinh doanh thuận lợi và doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ. Riêng với thị trường chứng khoán, sau 2 năm bùng nổ trong đại dịch, những lỗ hổng, các vấn đề chưa được hoàn thiện trên thị trường đã bộc lộ. Trước thực tế này, cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định, đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với những hành động và dòng tiền có mục đích tương tự.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, thời gian gần đây cùng với hướng phục hồi của điểm số, chính trong thử thách, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đón nhận sự trở lại của khối nhà đầu tư nước ngoài. Những diễn biến này thể hiện niềm tin trở lại vào triển vọng của thị trường.
Đồng thời cho rằng, đây là giai đoạn thị trường vốn toàn cầu nói chung và thị trường vốn Việt Nam cần phát huy vai trò của mình là kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân tìm kiếm cơ hội sinh lời từ dòng vốn nhàn rỗi.
"Trong môi trường có xu hướng lành mạnh, minh bạch hơn với quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước như vậy, thị trường vốn nói chung, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng có cơ sở để kỳ vọng phát triển bền vững. Và ở đó, các doanh nghiệp tốt chứng minh được uy tín và năng lực sẽ tự tin gọi vốn mà không nhất thiết phải sẵn có nhiều tài sản đảm bảo; nhà đầu tư được nắm bắt các cơ hội và được bảo vệ tốt hơn, bên cạnh năng lực sàng lọc và quản trị rủi ro của chính họ" - ông Phòng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, các cuộc xung đột chính trị giữa các nước trên thế giới, hay việc điều chỉnh chính sách tài khóa tiền tệ của các nước lớn sẽ tác động tới mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường chứng khoán trong nước. Từ đó, dẫn đến hiện tượng dịch chuyển kênh đầu tư, tài sản đến khu vực an toàn hơn.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết: "Về cơ hội cho lĩnh vực chứng khoán, trong khó khăn thách thức vẫn có nhiều cơ hội khi kinh tế phục hồi, lạm phát cơ bản được kiểm soát và đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm, thể chế pháp luật hoàn thiện ở mức độ tốt hơn.
Cùng với đó, những sản phẩm dịch vụ chứng khoán mới đã và đang được UBCKNN bổ sung đa dạng hóa. Lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm nay vẫn có thể tăng từ 20 - 25%, chỉ thấp hơn mức 33- 35% của năm ngoái, nhưng nhìn chung vẫn tích cực"./.