“Cộng hưởng thương mại” nhìn từ Hiệp định UKVFTA
VOV.VN - Với các hiệp định thương mại khác Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh 2 chiều, nhưng với UKVFTA gần như không có sự cạnh tranh lẫn nhau, thay vào đó là sự cộng hưởng thương mại.
Được đánh giá là “con đường cao tốc hai chiều”, Hiệp định UKVFTA sau 1 năm thực thi đã giúp thúc đẩy trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh theo hướng ngày càng cân bằng hơn. Đại dịch Covid-19 dù diễn biến phức tạp, gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động kinh tế thương mại khác, song kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh vẫn tăng trưởng hai con số.
Khẳng định việc thực thi Hiệp định UKVFTA đã phần nào giúp hai bên vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chỉ rõ, UKVFTA là một trong các yếu tố giúp giảm bớt gánh nặng cho cả hai nền kinh tế khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
“Đây là một trong những Hiệp định đã có những bước chuẩn bị kỹ trước đó và đã có kế hoạch hành động mang tính tổng thể, được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, Việt Nam và Vương quốc Anh cũng đã thiết lập những cơ chế trao đổi thường xuyên để giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình thực thi’, ông Thái nói.
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI phân tích 2 lý do khiến UKVFTA “ghi điểm” trong năm 2021. Thứ nhất, trước khi UKVFTA có hiệu lực (1/1/2021), các DN, các cơ quan quản lý tại Việt Nam đã có trước 5 tháng chuẩn bị, làm quen và thực hiện theo các quy định, nên khi hiệp định có hiệu lực, các DN đã có đà tăng trưởng rất tốt.
Điểm thứ hai theo bà Trang là với các hiệp định thương mại khác, Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh 2 chiều. Tuy nhiên, với Vương quốc Anh, gần như không có sự cạnh tranh lẫn nhau, thay vào đó là sự cộng hưởng thương mại. “Đơn cử về ưu điểm hiếm có của UKVFTA là khi Việt Nam đang cần phát triển ngành dược đúng lức Vương quốc Anh lại có thế mạnh về ngành này. Trong khi Việt Nam là một quốc gia có kim ngạch lớn về xuất khẩu dệt may thì Vương quốc Anh lại là nước chú trọng nhập khẩu sản phẩm dệt may”, bà Trang nêu.
Một kỳ tích đáng kể nhất khi thực thi UKVFTA theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh là giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng hiện đại, minh bạch và tạo thuận lợi tối đa cho DN...
Bởi ngay trong năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, nhất là nông sản đã tận dụng được ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang Anh. Hơn nữa, nhiều mặt hàng của Việt Nam thế mạnh như hạt tiêu, rau quả… đã có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt. Ngoài ra, với hạn ngạch thuế quan bổ sung dành cho Việt Nam, quá trình nhập khẩu miễn thuế một số hàng đã tạo tiền đề vững chắc cho các sản phẩm thâm nhập sâu vào thị trường Anh.
Để biến các tiềm năng của EVFTA trở thành lợi ích thực sự, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, các cơ quan quản lý và cộng đồng DN của Việt Nam và Vương quốc Anh cần tiếp tục đánh giá, xác định những khó khăn, vấn đề còn tồn tại và tìm ra các giải pháp khắc phục một cách hiệu quả nhất.
“Các DN cần chủ động nghiên cứu nội dung của hiệp định, sau đó tìm hiểu quy định của Vương quốc Anh với hàng nhập khẩu, qua đó hoàn thiện sản phẩm hàng hóa để đáp ứng yêu cầu và thường xuyên nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa để nhanh chóng thâm nhập vào thị trường này bởi tiềm năng và cơ hội của thị trường này còn rất lớn”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – ông Lương Hoàng Thái cũng chỉ ra dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Anh còn rất lớn, bởi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh chiếm chưa đến 1% trong tổng số hàng nhập khẩu vào Anh. Ở chiều ngược lại, hàng hóa xuất khẩu của Anh cũng chiếm phần nhỏ trong lượng nhập khẩu của Việt Nam.
“Dù tiếp cận thị trường theo phương thức truyền thống hay online, các DN không chỉ quan tâm đến chất lượng hàng hóa, giá cả mà cần quan tâm đến quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định phát triển bền vững. Đặc biệt, DN cần chú trọng trong công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm khách hàng của các ngân hàng Anh”, ông Thái khuyến nghị.
Khẳng định UKVFTA thực sự là một trụ cột quan trọng hiện thực hóa mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, Nghị sĩ Graham Stuart, Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia cam kết, Vương Quốc Anh cũng sẽ ủng hộ và hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng và thúc đẩy DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhằm tăng cường hơn nữa việc vận chuyển hàng hóa với nhiều mục tiêu chiến lược mà hai bên đã cùng thực hiện trong thời gian qua./.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2021, kim ngạch song phương Việt Nam-Vương quốc Anh đạt 6,61 tỷ USD, tăng trưởng 17,24%; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng 16,4% còn Vương quốc Anh xuất khẩu sang Việt Nam tăng 24%.
Cũng trong năm 2021, đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam, với số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 53 triệu USD, tăng 157% so với năm 2020 và duy trì đầu tư trực tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam ở mức 4 tỷ USD. Hiện nay, Vương quốc Anh đang nằm trong nhóm 12 nước có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam./.