Điều hành xăng dầu: Cần lắng nghe doanh nghiệp để điều chỉnh
VOV.VN - Đã đến lúc Bộ Công Thương cần nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp, bởi kết quả kiểm tra cơ bản chưa phát hiện thấy có dấu hiệu “găm hàng”, “chờ giá”…
Giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đã được điều chỉnh từ hôm qua (5/9) ngay sau kỳ nghỉ lễ dài 4 ngày. Với quyết định giảm nhẹ giá xăng và tăng giá đối với các mặt hàng dầu - chủ yếu do diễn biến của thị trường dầu mỏ thế giới tăng, giảm đan xen. Động thái này được cho là sẽ làm dịu bớt đi những căng thẳng của thị trường xăng dầu trong nước - với những nghi vấn “găm hàng”, “đầu cơ”, “nghỉ bán” những ngày gần đây.
Tuy nhiên, với rất nhiều bất cập bộc lộ đã cho thấy cả sự lúng túng trong công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu thời gian qua, và cả những bất cập của Luật - nhìn từ hai Nghị định (là Nghi định 83 và Nghị định 95 - sửa đổi một số điều của Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu.
Những ngày tháng 8 vừa qua, 24 doanh nghiệp, đại lý bán lẻ xăng dầu ở TP.HCM đã cùng ký vào một tờ đơn gửi chính quyền sở tại và Bộ Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xăng dầu để “trải lòng về những khuất mắc của đại lý bán lẻ trong kinh doanh xăng dầu ở thời điểm thực tại”.
Dẫn chứng về sự điều hành bất cập - trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động mạnh - với chiều hướng tăng cao suốt nhiều tháng qua đã khiến các doanh nghiệp, đại lý bán lẻ xăng dầu (hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân) phải chịu lỗ liên tục do đầu mối - thương nhân phân phối - chiết khấu mức hoa hồng rất thấp, không đủ chi phí vận tải, thuê nhân công; Thậm chí, có thời điểm mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ là “0 đồng” - nhưng vẫn không được cấp đủ nguồn, không được đóng cửa. Hệ quả là các đại lý “lỗ nặng, càng bán càng lỗ nhưng vẫn phải mở cửa…”.
Thế nhưng không chỉ có doanh nghiệp và đại lý bán lẻ xăng dầu kêu khó. Ngay cả những đầu mối nhập khẩu, phân phối xăng dầu lớn cũng đang tỏ rõ sự lo lắng cho thị trường xăng dầu nội địa.
Văn bản mới đây của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam báo cáo nhà điều hành về sản lượng tiêu thụ của hệ thống Petrolimex tăng đột biến những ngày qua đã gây áp lực lớn cho doanh nghiệp, nguy cơ thiếu nguồn hàng cục bộ rất dễ xảy ra… cần có ngay giải pháp để tránh đứt gãy nguồn cung do áp lực dồn vào một vài đầu mối lớn.
Nhưng có một thực tế đã tồn tại từ nhiều năm nay, đó là mỗi khi giá xăng dầu thế giới có biến động tăng mạnh, không ít đầu mối nhỏ đã “bỏ cuộc” khiến các doanh nghiệp nhà nước phải “gánh” thêm nhiệm vụ bù đắp toàn bộ phần thiếu hụt của thị trường.
Vì thế, xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh xăng dầu là việc làm hệ trọng, phải làm để đảm bảo cho thị trường xăng dầu hoạt động minh bạch, qua đó, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việc xử lý, “tước giấy phép” của 12 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 2 tháng 7 và 8 vừa qua được coi như biện pháp mạnh, chưa từng có tiền lệ của Bộ Công Thương.
Điều đáng lưu ý là ngay trong hôm 5/9, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (thương hiệu Saigon Petro) đã gửi công văn “khẩn” lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Doanh nghiệp này không hề vi phạm như kết luận của Bộ Công Thương mà luôn “đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định”.
Thậm chí, Saigon Petro đã khẳng định làm tốt vai trò của một doanh nghiệp kinh tế Đảng thuộc Đảng bộ TP.HCM ngay ở thời điểm tháng 8 vừa qua, khi thị trường khan hiếm nguồn cung đã chủ động cung ứng tăng hơn 200% sản lượng xăng dầu so với tháng trước đó để góp phần bình ổn thị trường.
Xử lý nghiêm, rút giấy phép đối với các đầu mối vi phạm là việc phải làm. Vấn đề là việc đảm bảo nguồn cung và vận hành thị trường bán lẻ xăng dầu đã được Bộ Công Thương tính toán ra sao - khi Nghị định về kinh doanh xăng dầu quy định cửa hàng bán lẻ chỉ được ký hợp đồng mua xăng dầu với một đầu mối? Khi chỉ riêng Saigon Petro - đơn vị sở hữu hệ thống phân phối xăng dầu đã có hơn 100 thương nhân nhượng quyền bán lẻ và thương nhân phân phối, với tổng số hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối này? 12 thương nhân đầu mối bị tước giấy phép chiếm thị phần hơn 30% là không hề nhỏ.
Đã đến lúc Bộ Công Thương cần nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp. Bởi kết quả sau 4 ngày cao điểm kiểm tra, giám sát thị trường xăng dầu, cơ quan quản lý đã thừa nhận tình trạng nhiều cửa hàng hết xăng, dầu và cơ bản chưa phát hiện thấy có dấu hiệu “găm hàng”, “chờ giá”…
Thực tế chỉ riêng việc quy định cứng nhắc về thời gian điều hành giá cố định vào các ngày 1; 11 và 21 hàng tháng và có gia hạn khi trùng thời điểm nghỉ lễ, trong khi nhu cầu tiêu dùng xăng dầu diễn ra thường nhật, giá xăng dầu thế giới biến động hàng ngày đã cho thấy rõ những bất cập, cần sớm nghiên cứu để điều chỉnh “Luật” cho phù hợp./.