Doanh nghiệp lo lãi suất huy động tăng đẩy lãi suất cho vay tăng theo
VOV.VN - Các ngân hàng tiếp tục cuộc đua lãi suất khi đẩy lãi suất huy động lên cao 8-8,2%/năm, hệ quả là lãi suất cho vay cũng rục rịch tăng theo.
Đua tăng lãi suất huy động
Làn sóng tăng lãi suất huy động dường như đã lan rộng khi cuối tháng 2/2016 thị trường ghi nhận hầu hết các ngân hàng đã thay bảng niêm yết lãi suất mới, tăng 0,1 - 0,2%/năm tùy theo từng kỳ hạn. Cuộc đua lãi suất lần này được khởi phát từ cuối năm 2015 khi một loạt các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất. Theo đó, Sacombank tăng lãi gửi tiền đồng thêm 0,2-0,3%/năm cho một số kỳ hạn ngắn…
Những diễn biến trên thị trường trong thời điểm này cho thấy, xu hướng nhu cầu vốn cuối năm của các doanh nghiệp tăng cao để mua sắm nguyên liệu, trả lương, thưởng…, nên lãi suất tăng là điều hợp lý. Tuy nhiên, sau Tết xu hướng lãi suất tăng vẫn tiếp tục. Ngay từ cuối tháng 2/2016, Eximbank đẩy lãi suất huy động lên cao ở các kỳ hạn; mức cao nhất là 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,4%/năm so với trước đó.
Cũng không chịu kém cạnh, OCB cũng niêm yết lãi suất huy động mới tăng mạnh ở các kỳ hạn dài, từ 12 - 36 tháng. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18 tháng là 7,6%/năm, 24 tháng 7,8%/năm và 36 tháng lên tới 8%/năm. Khi gửi tiết kiệm trực tuyến (online), khách hàng còn được cộng thêm 0,1%/năm.
Tại VPBank, lãi suất huy động cũng tăng ở hầu hết các kỳ hạn; cao nhất 7,6%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, với số tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên. Như để lôi kéo khách hàng, VPBank cộng thêm 0,2%/năm ở các kỳ hạn nếu như khách gửi tiết kiệm trực tuyến (online) tại ngân hàng này. Như vậy, lãi suất “huy động” cao nhất ghi nhận tại VPBank là 7,8%.
VPBank niêm yết lãi suất huy động cao nhất 7,6%/năm nhưng vẫn “thưởng” thêm 0,2%/năm cho khách hàng |
Trong đợt biến động lãi suất lần này tại các ngân hàng, dễ thấy lãi suất ở kỳ hạn ngắn tăng ở mức vừa phải, trong khi đó lãi suất ở kỳ hạn dài có xu hướng tăng mạnh hơn. Nhận định về đợt tăng lãi suất lần này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi một ngân hàng khởi phát tăng lãi suất, để giữ chân khách hàng buộc lòng các ngân hàng khác cũng phải tăng lãi suất theo. Vô hình chung, các ngân hàng tạo ra một cuộc đua lãi suất, hình thành mặt bằng lãi suất mới.
Lãi suất cho vay tăng
Trong một thời gian dài, từ cuối năm 2015 đến nay các ngân hàng liên tục đẩy lãi suất huy động lên cao khiến lãi suất cho vay tăng theo. Chứng kiến cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp không khỏi ái ngại khi xảy ra kịch bản xu hướng tăng lãi suất huy động kéo dài khiến lãi suất cho vay tăng diễn ra trong năm 2016.
Lo ngại về vấn đề này, ngay trong tháng 2/2016, NHNN đã có Chỉ thị số 01, yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động của TCTD. Không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí theo quy định của NHNN về thu phí cho vay của TCTD đối với khách hàng…
Tuy nhiên, thời gian qua lãi suất huy động tăng cũng đồng nghĩa khó lòng giảm lãi suất cho vay. Lãnh đạo một doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải tâm sự, qua tìm hiểu từ một cán bộ tín dụng ngân hàng thì lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất huy động đầu vào cho khoản vay cộng với một mức khoảng 3 -4,5%/năm, tùy từng điều kiện vay cụ thể.
Còn theo khảo sát của phóng viên, bên cạnh việc tăng lãi suất huy động, các ngân hàng cũng tăng lãi suất cho vay. Tại ngân hàng VIB (49 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Huệ, nhân viên tín dụng cho biết, với gói sản phẩm cho vay ô tô, nhà đất nếu lãi suất trong năm 2015 là 9,2%/năm thì đến nay mức lãi suất này là 9,5%/năm.
Tuy nhiên, theo nhân viên tín dụng này, hạn mức tín dụng đã hết nên khách hàng không được hưởng khoản vay với mức lãi suất 9,5%/năm. Thay vào đó, VIB ra mắt gói mới với lãi suất cho vay là 9,8%/năm… Giới thiệu với khách hàng là vậy song nhân viên tín dụng này lưu ý, nếu lãi suất huy động đầu vào tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo.
Lý giải một loạt các ngân hàng tăng lãi suất, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu phân tích, trước Tết doanh nghiệp phải trả lương, thưởng… nên tiền chảy ra thị trường rất mạnh. Sau Tết, người dân lại có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng. Để hấp thụ nguồn vốn này, các ngân hàng cạnh tranh bằng cách tăng lãi suất lên. Thêm nữa, người dân thấy nền kinh tế phục hồi thì họ kỳ vọng lạm phát sẽ tăng nên cũng đòi hỏi lãi suất phải tăng theo.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu phân tích, Chính phủ hiện vẫn phải cân đối ngân sách bằng cách phát hành trái phiếu. “Chính vì cần có vốn để cân bằng ngân sách nên Chính phủ phải bán trái phiếu ra. Mà muốn bán thành công thì lãi suất phải cao. Đó là một trong những lý do chính khiến lãi suất tăng cao…” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu phân tích./. Ngân hàng tăng lãi suất, ai lợi, ai thiệt?
Mặt bằng lãi suất có thể sẽ tăng thêm trong năm 2016