Giá heo tăng mạnh: Thận trọng tái đàn
VOV.VN - Giá heo tăng trở lại đã phần nào giúp người chăn nuôi có lãi nhưng vẫn còn đó những lo ngại trong việc phát triển chăn nuôi ồ ạt.
Những ngày qua tại tỉnh Đồng Nai, địa phương được coi là “thủ phủ” ngành chăn nuôi heo của cả nước, giá heo đã đảo chiều tăng liên tục khiến người chăn nuôi rất phấn khởi. Song đợt tăng giá này cũng kèm theo nhiều nghi ngại. Liệu nó đã phản ánh sự cân bằng của cán cân cung – cầu hay còn lý do nào khác? Giá tăng “thực” hay “ảo”, duy trì được bao lâu? Đã đến lúc người nuôi tái đàn hay chưa?
Không còn heo để bán
Đang từ mức giá chỉ 24.000 - 26.000 đồng/kg, chỉ trong vòng khoảng chục ngày qua, giá heo hơi tại Đồng Nai đã nhảy vọt lên mức trên 40.000 đồng/kg, thậm chí có lúc đã đạt mức 45.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đang từ lỗ nặng thì giờ đã “đảo chiều” thành có lãi, trung bình mỗi kg heo hơi bán ra, người nuôi lãi khoảng 7.000 đồng.
Giá heo tăng người chăn nuôi phấn khởi nhưng vẫn còn nhiều mối lo |
Ông Lầy Giồng Quý, người nuôi heo ở xã Lộ 25, huyện Thống Nhất trong đợt khủng hoảng giá vừa qua, đã phải cắt một nửa tổng đàn để giảm thua lỗ. Nhiều chuồng heo trước đây đã chuyển sang nuôi… gà. Giá heo thấp, ông Quý giảm đàn, nhưng giờ giá lên thì lại không còn heo đạt chuẩn để xuất bán.
“Trước đây người nuôi thiệt hại nhiều khi giá heo xuống quá thấp. Đợt này giá heo đã nhích lên thì thì số lượng heo không còn bao nhiêu, ông Quý cho biết.
Trong khi đó, nhiều hộ còn heo nhưng chưa đủ cân nặng vẫn đang thấp thỏm hi vọng giá giữ thêm ít ngày để heo kịp lớn, bán được giá, mong gỡ gạc lại phần nào sau đợt thua lỗ vừa qua.
Ông Vi Hướng Mạnh, người nuôi heo cho sẻ, nếu heo lên giá 40.000 đồng/kg, người nuôi rất mừng vì hiện vẫn còn 1 – 2 đàn chưa xuất bán. “Nếu trong khoảng hơn 10 ngày nữa giá heo vẫn giữ ổn định như hiện tại là đã mừng lắm rồi”, ông Mạnh nói.
Chưa thể tái đàn
Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, một số trường hợp mà chủ yếu là những nông hộ nhỏ lẻ tìm cách tái đàn, cũng có trường hợp chuẩn bị heo hậu bị, tức là heo để “gây” làm heo nái sinh sản, nhưng cũng sẽ phải mất cả năm trời mới có thể cho ra lứa heo đầu tiên.
Thực tế thì những trường hợp tìm cách tái đàn là không nhiều, đa số người chăn nuôi vẫn đang “nghe ngóng” với tâm lý thận trọng, không vội vàng tăng đàn đột ngột bởi không ai dám khẳng định heo sẽ giữ giá được bao lâu.
Hơn nữa, sau đợt “khủng hoảng” vừa qua, trang trại nào cũng phải cắt giảm cả đàn heo thịt và nái, nên hiện tại, khi được giá thì lượng heo giống cũng chỉ đủ nhu cầu của trại, khó có dư thừa để bán ra. Điều này khiến giá heo giống nhanh chóng tăng vọt, lên mức hơn 1 triệu đồng mỗi con nhưng cũng không dễ mua.
Thống kê của ngành chức năng tỉnh Đồng Nai cho thấy, sau 3 tháng “giải cứu”, tổng đàn heo tỉnh này còn khoảng 1,6 triệu con, về cơ bản đã đưa về đúng cán cân cung – cầu nên giá tăng là phù hợp với quy luật.
Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, theo quy hoạch, phải đến năm 2020, tổng đàn heo của tỉnh này mới đạt mức 2 triệu con, nhưng ngay từ đầu năm nay tổng đàn đã vượt quá con số 2 triệu. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến “khủng hoảng thừa” vừa qua.
Đồng Nai cần khoảng 250.000 heo nái là đủ nhu cầu, nhưng theo thống kê mới đây thì con số đã là 314.000 heo nái. Do đó giải pháp giảm đàn cần tiếp tục thực hiện chứ không phải tìm cách tăng đàn trở lại khi thấy giá lên.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, ông Huỳnh Thành Vinh cho biết, tỉnh vẫn buộc làm phải giảm 50.000 heo nái nữa mới đảm bảo được chuẩn cung cầu. Giảm nái heo tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bởi chúng ta không thể cạnh tranh được, không kể các rủi ro khác về mặt thiên tai về mặt dịch bệnh, thì người chăn nuôi nhỏ lẻ lúc nào cũng thiệt thòi hơn.
Được giải cứu, giá heo tăng lại
Do đó ngành chức năng ngoài việc dự báo, đánh giá tình hình, cũng cần kiểm soát chặt chẽ “sân chơi lớn” của ngành chăn nuôi để đảm bảo công bằng cho tất cả các bên./.