Giá mua USD kịch trần: Nhu cầu thật đang tăng, NHNN sẽ làm gì?
Tỷ giá USD tại hầu hết các ngân hàng thương mại đều niêm yết ở mức kịch trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 22.547 đồng/USD.
Trong ba ngày nay (14-15 và 16/12) tỷ giá USD tại hầu hết các ngân hàng thương mại đều niêm yết ở mức kịch trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 22.547 đồng/USD.
Đây là đợt thứ hai trong tháng tỷ giá USD/VND có biểu hiện căng thẳng. Tần suất của trạng thái này đang dày hơn và kịch tính hơn trước.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có động thái điều chỉnh về tỷ giá, trong sáng 15/12, giá mua vào tại sở giao dịch tăng thêm 90 đồng so với những ngày trước, lên 21.890 đồng. Giá bán ra vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 21.475 đồng - mức duy trì suốt từ tháng Tám tới nay.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tỷ giá tăng cũng là điều dễ hiểu vì cuối năm, các doanh nghiệp đều tất toán các hợp đồng mua bán.
“Việc giá mua áp sát trần như thế chứng tỏ nhu cầu về tín dụng đang có thực chứ không phải do đầu cơ. Nếu đầu cơ thì họ phải để khoảng cách giãn ra, được giá họ sẽ mua vào chứ khoảng cách thu hẹp thì không có lãi,” vị chuyên gia trên phân tích.
Bên cạnh đó, ngày 15 và 16/12 Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) họp với dự báo tăng lãi suất nên tâm lý thị trường là chờ đợi và đẩy giá lên.
Vị chuyên gia trên phân tích, hiện việc tăng lãi suất của FED vẫn chỉ là đồn đoán, mặc dù tỷ lệ đặt cược cho động thái nay hiện đã tăng lên rất cao.
Trong khi, theo giới quan sát, ngay cả khi FED tăng lãi suất, mức tăng cũng chỉ rất nhẹ khoảng 0,25% do cơ quan này vẫn lo ngại những bất ổn hiện nay của kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi của kinh tế Mỹ cũng như việc đạt được mục tiêu lạm phát 2% đã đề ra. Điều đó cũng có nghĩa lãi suất tuy có tăng, song tác động lên thực tế là không lớn.
Còn một yếu tố khác tác động tới tỷ giá của Việt Nam đó là dự báo của IMF khi đồng Nhân dân tệ sẽ vào rổ tiền tệ vào ngày 1/10/2016 tới sẽ bị mất giá khiến cho tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng tăng lên.
Việc FED chuẩn bị tăng lãi suất, đã gợi nhớ cho thị trường về việc VND có thể bị mất giá. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, chúng ta cần phải nhìn diễn biến của đồng USD, mặc dù trong năm 2015 đã tăng 5% nhưng so với các đồng tiền khác trong khu vực thì VND giảm giá ít hơn.
Ông Thành đưa ra ví dụ, đồng Ringgit của Malaysia trong năm đã giảm 21,3%; đồng Rupiah của Indonesia giảm 11,6%; đồng Bath của Thái Lan giảm 9,3% và đồng USD của Singapore giảm 6,6% nên việc VND giảm giá 5% cũng chưa có gì đáng lo.
Chính vì vậy, vị chuyên gia cũng cho rằng, thời điểm này Ngân hàng Nhà nước không nên điều chỉnh tỷ giá vì thứ nhất đây chỉ là tâm lý và nhu cầu cuối năm; thứ hai là Ngân hàng Nhà nước đã cam kết không phá giá tiền đồng nữa. Bên cạnh đó, thời gian còn lại của năm cũng sắp hết rồi nên điều chỉnh nhanh chậm vài ngày không có ý nghĩa lắm.
Vào hồi cuối tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại, trong đó, vấn đề biến động tỷ giá được quan tâm đặc biệt.
Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, tại cuộc họp lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh biến động tỷ giá trong thời gian qua chủ yếu do tâm lý thị trường không ổn định và không có lý do gì để điều chỉnh tỷ giá vào lúc này.
Theo đó, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục kiểm soát thị trường, điều hành tỷ giá theo hướng "ổn định nhưng không cố định", biến động trong giới hạn kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và can thiệp kịp thời để đảm bảo sự ổn định đó.
Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, trước tình hình tỷ giá như hiện nay, tất cả thị trường đều ngóng về hành động của Ngân hàng Nhà nước. Diễn biến từ hôm qua đến nay, tỷ giá các ngân hàng thương mại đều tăng kịch trần thì ai cũng thấy, vấn đề là thị trường sẽ chịu được đến đâu.
Phó Tổng giám đốc trên cũng cho biết thêm, có thể từ nay đến hết năm Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh tỷ giá nhưng để giữ được thì Ngân hàng này sẽ phải bán ra một lượng ngoại tệ. Hiện Thông tư 15 của Ngân hàng Nhà nước về việc siết bắt buộc các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ phải bán ra cũng có tác dụng; việc hạn chế siết vay ngoại tệ tràn lan cũng đã chốt lại thời điểm hết quý 1/2016.
Tuy nhiên, đây là giai đoạn thanh toán quý 4 nhu cầu thanh toán thương mại xuất nhập khẩu của các ngân hàng đặc biệt là các ngân hàng lớn tăng từ 1,5-2 lần. Lại cộng thêm tác động của FED tăng lãi suất nên thị trường muốn hay không cũng chịu nhiều áp lực./.