Giá thanh long lên xuống thất thường khiến người trồng lao đao
VOV.VN - Theo nhiều người trồng thanh long, sự biến động về giá cả thanh long là điều dễ hiểu, bà con thường xuyên đối mặt với tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại.
Từ đầu tháng 2/2021 đến nay, giá thanh long ở Bình Thuận ở mức 15.000 - 20.000đ/kg, trong khi trước đó khoảng 1 tháng, loại trái cây này chỉ bán được với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá giảm còn 2.000 - 5.000 đồng/kg.
Theo nhiều người trồng thanh long, sự biến động về giá cả thanh long là điều dễ hiểu, bà con thường xuyên đối mặt với tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại. Để người trồng thanh long an tâm về đầu ra, góp phần ổn định thị trường giá cả thì cần sự chung tay góp sức từ nhiều phía.
Thất thường thời giá thanh long
Đối với gia đình anh Nguyễn Văn Lộc ở xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, vườn thanh long là gia tài lớn, vì đó là nguồn thu nhập chính của cả gia đình với 5 thành viên. Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, gia đình anh đầu tư chong đèn với hy vọng bán được giá, thế nhưng mọi việc không diễn ra như mong đợi.
Anh Lộc chia sẻ: "Vừa rồi tôi chạy điện thanh long ra năng suất không đạt, 250 trụ chỉ được khoảng 2 tấn, người ta tới trả có 5.000 đồn/kg, tính ra chi phí không đâu vào đâu".
Cũng chong đèn cho lứa thanh long trái vụ, song gia đình anh Nguyễn Thanh Hải ở xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận lại chọn thời điểm thu hoạch vào trước Rằm tháng Giêng. May mắn cho gia đình anh, lúc này giá thanh long đang tăng dần, nên anh Hải bán được giá 16.500 đồng /kg. Với gần 5 tấn trái, gia đình anh thu được trên 80 triệu đồng.
"Nông dân như tôi mong vào những thời điểm dịp Tết, qua Tết, Rằm tháng Giêng rồi Thanh minh. Những dịp này thị trường Trung Quốc mua nhiều nên nông dân kỳ vọng giá sẽ tăng. Nguyện vọng của bà con nông dân mong sao Nhà nước hỗ trợ đầu ra như thế nào để giá ổn định" - anh Hải bày tỏ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, tính đến cuối tháng 2/2021, toàn tỉnh có khoảng 33.700 ha thanh long, tăng hơn 20.000 ha so với năm 2010. Trong đó có 11.400 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 517 ha thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Những năm qua, diện tích và sản lượng thanh long trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên. Sản xuất thanh long đem lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho nông dân ở các vùng trồng. Tuy nhiên, thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi, chỉ một số ít sản phẩm đã qua chế biến như nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo… Vì thế việc giá cả thanh long lên xuống thất thường đối với người nông dân không phải là chuyện lạ.
Tìm lối ra cho trái thanh long
Bà Lê Phương Chi, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ – Sản xuất thanh long Hàm Minh 30 cho biết, rất khó giữ giá thanh long ổn định, do đặc thù là trái cây tươi không bảo quản được lâu, cho nên cứ vào vụ thu hoạch rộ, việc tiêu thụ thanh long lại gặp trở ngại, khiến nhiều nông dân đứng ngồi không yên.
Nhất là trong điều kiện hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp tại nhiều quốc gia khiến thanh long càng khó tiêu thụ. Mặt khác, thị trường Trung Quốc đang siết chặt thương mại nông sản theo hình thức trao đổi biên mậu, đồng thời yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc… Do đó theo bà Chi, việc làm ra sản phẩm sạch cũng phải được tính đến, nếu muốn đem thanh long bán ra thị trường nước ngoài.
Bà Chi cho biết: "HTX tư vấn, chỉ dẫn cho bà con quy trình để ra trái thanh long khi test mẫu không có dư lượng, được thì kết nối với công ty đến mua trực tiếp cho bà con. Ví dụ, tôi giới thiệu với công ty là vườn này đang làm theo chuẩn của châu Âu, sau đó trước khi chín 1 tuần là báo cho phía công ty, người ta tới cắt trái đi test. Test nhanh trong vòng 1 ngày là có kết quả".
Còn về lâu dài cũng phải tính đến việc chế biến trái thanh long, cho ra lò những sản phẩm mới lạ phục vụ thị trường nhằm tăng giá trị nông sản. Mới đây, một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã cho ra đời sản phẩm hạt thanh long xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Ông Trần Văn Liêm - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà (xã Hải Ninh, Bắc Bình) cho biết, nhận thấy thanh long sau khi ép lấy nước, còn lại xác trái và hạt không sử dụng đến, năm 2020, công ty đã thử nghiệm và đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ tách hạt từ nước ngoài.
Hạt thanh long sau khi tách sẽ được phơi tự nhiên trong khoảng 1 tuần rồi đóng gói. Hiện nay, sản phẩm này đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc với giá 250 USD/kg. Theo các nhà chuyên môn, hạt thanh long rất có giá trị cho ngành dược và mỹ phẩm. Tuy nhiên, để có được số lượng lớn hạt thanh long không dễ, bởi sẽ cần đến 250 – 280 kg trái mới làm ra 1 kg hạt .
"Để giúp bà con nông dân tỉnh Bình Thuận thoát cảnh khi được mùa mất giá, giá cả thị trường cứ thế này thế kia và doanh thu của họ bấp bênh, lúc nào cũng lâm vào cảnh nợ nần, tôi mong muốn lãnh đạo các ban ngành cùng chung tay", ông Liêm nói.
Theo Sở Công thương Bình Thuận, trong 2 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất khẩu chính ngạch ước đạt hơn 945 tấn thanh long, tương đương trên 1 triệu USD, tăng gần 40% về giá trị và về lượng so với cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu chính có các nước như: Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha, Canada, Mỹ, Úc, New Zealand...
Ngoài việc tìm kiếm thị trường nước ngoài, tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, hiện nay trái thanh long Bình Thuận đang hướng đến khai thác mạnh tại thị trường nội địa, thông qua việc phát triển kênh phân phối như: chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, siêu thị…
Để giúp nông dân yên tâm sản xuất, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định số 16/2017 về hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có lợi thế. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 86/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Đức Hoà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đây là bước đệm để các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến thanh long mạnh dạn đầu tư, không ngừng phát triển các sản phẩm mới, từng bước nâng giá trị sản phẩm.
"Việc sản xuất kinh doanh, chúng ta sẽ thực hiện theo chuỗi giá trị bền vững, có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc sản phẩm và có cơ chế ràng buộc giữa các chủ thể, từ cung ứng vật tư cho đến sản xuất và tiêu thụ, kèm theo đó là có chính sách hỗ trợ để tiêu thụ nông sản. Trong đó quả thanh long cũng được phải lồng ghép vào, làm sao giúp nông dân tiêu thụ nông sản tốt hơn" - Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hòa chỉ rõ.
Những giải pháp ổn định thị trường tiêu thụ, sự ra đời của các sản phẩm mới được chế biến từ thanh long đang mang lại nhiều kỳ vọng về mở rộng đầu ra, nâng cao giá trị cho trái thanh long. Từ đó giúp nông dân các vùng trồng thanh long ở Bình Thuận ngày càng yên tâm đầu tư, ổn định sản xuất và vươn lên làm giàu./.