Giá xăng tăng giảm hàng ngày: Tại sao không?

Thay vì chu kỳ điều chỉnh 15 ngày như hiện nay, phương án điều chỉnh xăng dầu lên xuống hằng ngày đang được tính đến.

Điều hành giá xăng dầu thời gian qua theo kiểu “giật cục”, chưa tương ứng với diễn biến của thị trường thế giới khiến dân chịu thiệt. Thay vì chu kỳ điều chỉnh 15 ngày như hiện nay, phương án điều chỉnh xăng dầu lên xuống hằng ngày đang được tính đến.

Dân bức xúc

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá trong năm 2015 giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 18 lần, trong đó có 12 lần giảm và sáu lần tăng.

Là người được giao chỉ đạo trực tiếp điều hành giá xăng dầu trong nước, ông Hải nhấn mạnh thêm trước đây giá xăng dầu được điều chỉnh theo các khung giờ khác nhau và bị dư luận than phiền là cơ quan điều hành chọn “giờ hiểm” như nửa đêm, giờ tan ca để tăng-giảm giá. Tuy nhiên, suốt một năm qua, Bộ Công Thương đã chọn thời điểm 15 giờ của ngày thứ 15 trong chu kỳ tính toán giá cơ sở để công bố mức giá điều chỉnh.

“Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tính tới phương án điều chỉnh giá xăng dầu hằng ngày mà không phải đợi chu kỳ 15 ngày như hiện nay (trước đó, giá xăng dầu được vận hành theo cơ chế tăng giảm 30 ngày)” - ông Hải nhấn mạnh.

Mặc dù như thứ trưởng nói, giá xăng dầu đã được điều chỉnh sát với diễn biến giá thị trường hơn nhưng lâu nay người dân thắc mắc không hiểu vì sao nhiều khi giá xăng dầu trong nước lại không tăng giảm theo diễn biến của thị trường thế giới. Ví dụ, giá dầu thế giới giảm 40% trong năm 2015 trong khi giá xăng trong nước bán lẻ chỉ giảm 12% và giá dầu bán lẻ chỉ giảm 30%. Thậm chí có thời điểm thế giới giảm trong nước lại tăng.

Bộ Công Thương tính tới phương án điều chỉnh giá xăng dầu hằng ngày.
(Ảnh minh họa: KT)
Đặc biệt thời gian gần đây giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tiếp giảm mạnh nhưng giá xăng dầu trong nước giảm nhỏ giọt khiến nhiều người bức xúc. Lý giải về sự bất hợp lý này, các chuyên gia nhìn nhận bất cập lớn nhất của cơ chế điều hành giá xăng dầu là cứ phải đợi chu kỳ 15 ngày. Mặt khác, trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay, các khoản thuế phí đang chiếm tới 50% giá bán lẻ xăng dầu. Bên cạnh đó, chi phí định mức và lợi nhuận định mức cũng được tính vào giá xăng dầu.

Bước đột phá

TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng nếu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thống nhất được cơ chế điều hành giá xăng dầu hằng ngày thì đây là bước đột phá đối với thị trường xăng dầu Việt Nam. Nó sẽ tạo ra luồng gió mới giúp người tiêu dùng tiếp cận được với giá đúng nghĩa.

TS. Long đánh giá hiện nay thị trường xăng dầu Việt Nam chưa cạnh tranh thực sự và buộc Nhà nước phải định giá cơ sở hay còn gọi là giá trần. Cụ thể, giá xăng dầu được điều chỉnh theo tần suất 15 ngày, tuy có bước tiến hơn so với trước kia nhưng nếu so với giá thế giới vẫn còn một khoảng cách khá xa. Giá thế giới được cập nhật từng giờ hằng ngày, nếu giá trong nước áp dụng 15 ngày mới điều chỉnh sẽ không ăn nhịp với thế giới.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng bên cạnh cơ chế trên thì để người tiêu dùng được hưởng giá xăng dầu thấp theo giá thế giới cần phải giảm bớt các loại thuế, phí; loại bỏ các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức khỏi giá xăng. Bởi giá xăng đang được định hướng theo thị trường trong khi lại duy trì lợi nhuận định mức là vô lý. Đồng thời tạo cơ chế cho doanh nghiệp hưởng lợi nhuận thông qua cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.

Quyết tâm sẽ làm được

Các chuyên gia đều đánh giá cao cơ chế điều hành giá xăng dầu lên xuống theo từng ngày nhưng còn băn khoăn liệu cơ chế này có triển khai trong thực tế được hay không? “Nếu cơ quan quản lý quyết tâm thực hiện thì sẽ làm được. Nhưng cần có đủ năng lực, nắm bắt nhanh nhạy yếu tố đầu vào, giá nhập hằng ngày. Quan trọng hơn, nhà điều hành cần xác định chính xác yếu tố giá cơ sở trong từng ngày để điều tiết thị trường” - ông Long nói.

Đối với doanh nghiệp, ông Long cho rằng cơ chế mới không gây khó khăn với doanh nghiệp. Đặc biệt với hệ thống thông tin hiện đại, việc các doanh nghiệp cập nhật giá cơ sở cũng như giá nhập khẩu là việc nằm trong tầm tay. Nếu áp dụng cơ chế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chia sẻ với ý tưởng của Bộ Công Thương, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, đánh giá đây là điều đáng hoan nghênh. Với một quốc gia đang nhập khẩu tới 70% nguồn xăng dầu thành phẩm từ nước ngoài, Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa hoàn toàn mặt hàng này để đảm bảo tính thị trường của hàng hóa.

Tuy nhiên, điều mà ông Doanh băn khoăn là nếu điều hành theo cơ chế mới, giá bán lẻ được tính theo giá thế giới hay giá cơ sở trong nước với hàng loạt thuế, phí đi kèm? Cơ quan quản lý cần làm rõ chỗ này. Bên cạnh đó, điều hành giá thị trường hằng ngày cần dựa vào nguồn xăng dầu nhập để xem xét giá trần.

“Nguồn cung xăng dầu có đáp ứng được nhu cầu trong nước hay không? Nếu điều hành theo hằng ngày là bước tiến bộ, tránh được khoảng cách và độ trễ giá, vấn đề mà lâu nay người tiêu dùng đang gánh chịu” - vị này nêu quan điểm.

Để thực hiện được phương án trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng phụ thuộc việc doanh nghiệp trong nước và khâu hậu kiểm của cơ quan chức năng./.

Giá dầu đã giảm hơn 70%

Ngày 12/1, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã rơi xuống dưới mốc 30 USD/thùng lần đầu tiên tính từ tháng 12-2003, theo tin từ CNBC. Ví dụ, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2 trên thị trường New York giảm 97 cent, tương đương 3,1%, xuống mức 30,44 USD/thùng. Trong phiên giao dịch đã có lúc giá dầu chạm mốc 29,93 USD/thùng. Một số chuyên gia đã dự báo đến khả năng giá dầu về mức 20 USD/thùng.

Như vậy, tính từ đầu năm 2016 đến nay, giá dầu đã giảm 19%. Còn nếu tính từ mức đỉnh 108 USD/thùng thiết lập vào tháng 6-2014, giá dầu đã giảm 72%.

Giá dầu liên tục tuột dốc và chưa có điểm dừng chủ yếu do nguồn cung tăng vọt, giá USD mạnh lên, kinh tế Trung Quốc suy yếu và thị trường chứng khoán nước này rối loạn.

Có thể bỏ quỹ bình ổn xăng dầu

Quỹ bình ổn giá xăng dầu có thể sẽ được bỏ trong thời gian tới. Lâu nay quỹ này được sử dụng làm công cụ cân đối trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá mạnh nhưng rồi sẽ có lúc quỹ này cũng phải bỏ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - ĐỖ THẮNG HẢI

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giá xăng dầu hôm nay sẽ được điều chỉnh ra sao?
Giá xăng dầu hôm nay sẽ được điều chỉnh ra sao?

VOV.VN -Rất có thể trong lần điều chỉnh giá xăng dầu hôm nay, liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ quyết định để cho tăng giá bán lẻ xăng dầu.

Giá xăng dầu hôm nay sẽ được điều chỉnh ra sao?

Giá xăng dầu hôm nay sẽ được điều chỉnh ra sao?

VOV.VN -Rất có thể trong lần điều chỉnh giá xăng dầu hôm nay, liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ quyết định để cho tăng giá bán lẻ xăng dầu.

Sẽ bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Sẽ bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

VOV.VN - Đại diện cơ quan điều hành sẽ tính tới việc điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày, không cần phải đợi đến chu kỳ 15 ngày như hiện nay.

Sẽ bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Sẽ bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

VOV.VN - Đại diện cơ quan điều hành sẽ tính tới việc điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày, không cần phải đợi đến chu kỳ 15 ngày như hiện nay.

Giá xăng dầu của Việt Nam không ở mức cao so với thế giới?
Giá xăng dầu của Việt Nam không ở mức cao so với thế giới?

VOV.VN - Giá xăng dầu tại Việt Nam không quá cao so với giá xăng dầu trên thế giới, được tính trên cơ sở giá nhập khẩu, các loại thuế, phí theo quy định.

Giá xăng dầu của Việt Nam không ở mức cao so với thế giới?

Giá xăng dầu của Việt Nam không ở mức cao so với thế giới?

VOV.VN - Giá xăng dầu tại Việt Nam không quá cao so với giá xăng dầu trên thế giới, được tính trên cơ sở giá nhập khẩu, các loại thuế, phí theo quy định.

Giá xăng, dầu tiếp tục giảm "nhỏ giọt"
Giá xăng, dầu tiếp tục giảm "nhỏ giọt"

VOV.VN - Từ 15 giờ hôm nay (4/1), giá xăng Ron 92 sẽ có mức giảm tối đa là 373 đồng/lít còn xăng E5 giảm 571 đồng/lít.

Giá xăng, dầu tiếp tục giảm "nhỏ giọt"

Giá xăng, dầu tiếp tục giảm "nhỏ giọt"

VOV.VN - Từ 15 giờ hôm nay (4/1), giá xăng Ron 92 sẽ có mức giảm tối đa là 373 đồng/lít còn xăng E5 giảm 571 đồng/lít.