Hiệp hội Xăng dầu đề nghị chất vấn Bộ Tài chính về truy thu thuế
Vinpa cho rằng quyết định truy thu thuế xăng dầu tạm nhập tái xuất lên đến hàng trăm tỷ đồng là chưa đúng quy định.
Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (Vinpa) vừa có công văn gửi Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề nghị được chất vấn Bộ Tài chính về việc truy thu thuế xăng dầu tạm nhập tái xuất. Cụ thể, Vinpa cho rằng Bộ Tài chính ban hành công văn số 17060 để truy thu thuế xăng dầu tạm nhập tái xuất không hết, chuyển vào tiêu thụ nội địa là trái với Thông tư 194.
Vinpa cho hay Cục Kiểm tra Văn bản Qui phạm pháp luật - Bộ Tư pháp đã đề nghị hủy bỏ. “Tuy nhiên, từ đó đến nay, Bộ Tài chính không đưa ra những cơ sở pháp lý cụ thể để chứng minh Công văn 17060 của Bộ đúng với Thông tư 194”, Vinpa khẳng định.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã hai lần đề nghị Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp với 8 doanh nghiệp và Hiệp hội để làm rõ vụ việc nhưng bất thành. Vì vậy, Vinpa đề nghị được chất vấn Bộ trưởng Tài chính tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội nhằm giải đáp thắc mắc trên.
Đầu tháng 6/2013, 7 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) yêu cầu truy thu gần 350 tỷ đồng tiền thuế, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 170 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 66 tỷ đồng, Xăng dầu Đồng Tháp (Petimex) là 56,5 tỷ đồng, Lọc hóa dầu Nam Việt (NamViet Oil) là 26 tỷ đồng, Xăng dầu quân đội 19,7 tỷ đồng và Công ty Vận tải Đường bộ Hải Hà 650 triệu đồng.
Chuyện doanh nghiệp nộp lại hàng trăm tỷ đồng tiền thuế bắt nguồn từ việc Bộ Tài chính ban hành văn bản 17060 ngày 7/12/2012 yêu cầu Tổng cục Hải quan phải thay tờ khai hải quan với các lô hàng xăng dầu chuyển từ tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa. Thời điểm tính thuế sẽ là ngày đăng ký tờ khai hải quan thay thế. Trong khi trước đó, các doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp thuế theo Thông tư 194 không cần đăng ký tờ khai mới, chỉ cần khai và nộp thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng theo quy định và thời hạn nộp thuế sẽ là 30 ngày.
Hiệp hội và các doanh nghiệp xăng dầu cho rằng văn bản 17060 không thể có hiệu lực pháp lý cao hơn Thông tư 194 do chính Bộ Tài chính ban hành. Ngày 16/7, Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có công văn gửi Bộ Tài chính khẳng định việc truy thu thuế với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu là “không có cơ sở pháp lý” và kiến nghị hủy bỏ công văn 17060./.