Khả năng 6 tháng cuối năm lạm phát tăng cao
VOV.VN - Lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường vì từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Các đại biểu tại Hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo giá cả năm 2016 do Viện Kinh tế tài chính - Học viện Tài chính tổ chức hôm nay (7/7) tại Hà Nội nhận định: Không loại trừ lạm phát năm 2016 sẽ vượt qua mức mục tiêu 5% của Chính phủ.
Toàn cảnh hội thảo |
Các chuyên gia nhận định, so với 2 năm gần đây thì chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm có sự đảo chiều khi liên tục tăng và đạt mức 2,35% so với tháng 12/2015. Mức tăng CPI 6 tháng đầu năm chủ yếu là do tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường; biến động tăng giá nguyên nhiên liệu, vật liệu, lương thực, thực phẩm và việc điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng và lương cơ sở. Mặc dù vậy, mức lạm phát 6 tháng đầu năm được nhận định là còn thấp và cách xa mục tiêu kiểm soát. Với sự điều hành thận trọng dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở mức khoảng 4,2%.
Trái ngược với dự báo này, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường vì từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, như việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, tăng lương cơ bản, độ trễ của tăng cung tiền, áp lực tỷ giá...
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, bội chi ngân sách nhà nước 6 tháng qua đã hơn 80.000 tỷ đồng và có xu hướng tăng cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng lạm phát. Giá dầu thô có dấu hiệu phục hồi, ngay cả sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung gây thiệt hại về kinh tế…cũng là những yếu tố tác động đến chỉ số giá từ nay đến cuối năm.
Dự báo lạm phát cuối năm tăng trở lại |
Cùng quan điểm này, TS Lê Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, khó đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% nếu tính so với tháng 12/2015.
"Dự báo 6 tháng cuối năm sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm (ở mức từ 2,7-3%) do giá hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, giá dầu thô có thể đạt 60 USD, giá dịch vụ y tế tiếp tục tăng theo lộ trình. Khả năng tăng trường tín dụng 2016 hơn 20%, đổ vào khu vực có tính đầu cơ như chứng khoán, bất động sản đẩy giá lên cao. Do đó, dự báo CPI cả năm 2016 sẽ ở mức 5-5,5%," TS Phương cho hay.
6 tháng cuối năm, các chuyên gia nhìn nhận vẫn còn nhiều áp lực lên lạm phát. Diễn biến giá cả từ nay đến cuối năm phụ thuộc vào lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý như giá xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục; sức ép từ cân đối ngân sách và áp lực tỷ giá…
Để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay ở mức dưới 5% như Quốc hội đề ra, các chuyên gia khuyến cáo cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính ngân sách; kiểm soát chặt bội chi ngân sách nhà nước. Đồng thời điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Học viện Tài chính, khuyến cáo: "Kiểm soát lạm phát dưới 5% như mục tiêu đặt ra thì phụ thuộc vào điều hành giá dịch vụ giáo dục và y tế từ nay đến cuối năm. Trường hợp có những biến động về địa chính trị, biến động kinh tế thế giới ảnh hưởng đến tỷ giá thì Chính phủ phải lưu ý thị trường tiền tệ, ổn định được thị trường tiền tệ sẽ hạn chế được vấn đề tăng giá. Ngoài ra, bội chi chắc chắn phải kiểm soát vì đang ở mức rất cao rồi, từ nay đến cuối năm tiếp tục phải giảm bội chi ngân sách nhà nước"./.
Lạm phát năm 2016 - biến số khó lường