Masan xếp sản phẩm tạo hình Lăng Bác chỉ là sự “ngây thơ”, “vô ý”?
VOV.VN - Cần xử lý thật nghiêm việc Masan xếp sản phẩm tạo hình Lăng Bác, từ đó tránh việc các doanh nghiệp lợi dụng scandal để quảng bá hình ảnh.
Thời gian gần đây, trong khi dư luận trong nước chưa hết ồn ào vì thông tin hơn 18.000 chai tương ớt nhãn hiệu Chinsu của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan) xuất khẩu sang Nhật Bản bị thu hồi, do có chứa chất phụ gia là một loại chất cấm mang tên Axit benzoic - vi phạm điều 11 khoản 2 Luật Vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản.
Thì đến cuối tuần vừa qua, nhân viên của Công ty Masan khi trưng bày sản phẩm tại siêu thị Lotte (Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) đã xếp đặt sản phẩm của Masan mô phỏng theo kiến trúc Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến dư luận lại càng thêm “dậy sóng”.
Ngay sau khi hình ảnh xếp đặt sản phẩm của Masan xuất hiện trên mạng xã hội, lập tức đã có nhiều người đưa ra ý kiến cá nhân về cách làm này, trong đó phần lớn đều không đồng tình và phản đối kịch liệt, khiến mô phỏng này đã bị dỡ bỏ.
Quầy trưng bày sản phẩm khuyến mãi của Masan được người tiêu dùng chụp tại siêu thị Lotte ở Liễu Giai (Hà Nội). (Ảnh: KT). |
Thấy việc làm này bị phản hồi thiếu tích cực trên mạng xã hội, đại diện Masan ngay sau đó đã đưa ra thông tin và giải thích về việc làm này. Đó là để chào mừng những ngày lễ lớn 30/4 và 1/5 sắp tới, siêu thị Lotte (Liễu Giai, Hà Nội) đã phát động phong trào trưng bày sản phẩm trong nội bộ siêu thị theo chủ đề 30/4 và 1/5.
Vì thế, các nhân viên của Masan đã dùng sản phẩm sắp xếp mô hình theo chủ đề nói trên bằng những hình mô phỏng khác như hình xe tăng, lá cờ... Masan thừa nhận, riêng sản phẩm tuơng ớt Chinsu đã được sắp xếp mô phỏng theo tạo hình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần tưởng nhớ, nhưng lại gây hiệu ứng ngược tới người tiêu dùng. Cũng giống như việc phản hồi sau vụ 18.000 chai tương ớt trước đó, lần này Masan cũng lại “thật sự lấy làm tiếc”.
Tất nhiên lý giải của Masan đã không thuyết phục được dư luận, đặc biệt là người tiêu dùng Việt Nam. Bởi bất cứ ai khi nghe được sẽ liên tưởng ngay đến lời giải thích thiếu trách nhiệm và vô cảm của Masan trước đó khi nói về 18.000 chai tương ớt có chất cấm tại Nhật Bản là: “Có khả năng đây là lô hàng dành riêng cho thị trường Việt Nam hoặc sản phẩm không nguồn gốc…”, khiến mỗi người dân Việt Nam không khỏi chạnh lòng bởi ý nghĩ doanh nghiệp này đã quá coi nhẹ thị trường trong nước.
Cần lên án, xử lý nghiêm
Trở lại việc sử dụng hình ảnh mô phỏng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh của Masan. Vẫn biết doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là gắn liền với lợi nhuận, doanh thu nên họ đều phải sử dụng tối đa các chiêu thức như nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng cường tiếp thị quảng cáo tạo nên hình ảnh của sản phẩm và thương hiệu. Nhưng bất cứ người dân nào cũng không thể chấp nhập doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận mà vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh, xúc phạm Danh nhân, Lãnh tụ và lịch sử.
Đứng ở góc độ kinh doanh, là một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thương mại, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, rất khó có thể tin được việc làm này chỉ do nhân viên của Masan “vô tình” thực hiện. Bởi đã là người Việt Nam thì hình tượng Bác Hồ luôn ở trong tiềm thức, chiêu thức quảng cáo nào cũng đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Vì thế về phương diện cá nhân, ông Phú cho rằng cơ quan quản lý cần xem lại động cơ của việc làm này. Đây có thật là việc làm “vô tình” hay đó là cách mà doanh nghiệp cố tình không tôn trọng người tiêu dùng, thách thức và coi thường quy định của pháp luật trong sản xuất kinh doanh cũng như hoạt động quảng cáo. Việc làm này phải được lên án, xử lý nghiêm.
Khi một doanh nghiệp liên tục đánh mất niềm tin của người tiêu dùng, bất chấp mọi thủ đoạn để làm thương hiệu, để thu lợi nhuận thì có lẽ chính họ đã và đang bôi nhọ vào chính thương hiệu của mình. Trong khi thời gian qua, củng cố và coi trọng văn hóa doanh nghiệp luôn được Chính phủ đề cao và kêu gọi các doanh nghiệp hành động, thì nay hành vi của Masan đang được hiểu là đã cố tình đi ngược lại với chủ trương này.
Sai lầm không thể biện minh
Phân tích ở góc độ văn hóa doanh nghiệp qua việc làm của Masan, ông Phùng Quốc Hiếu, Giảng viên bộ môn Văn hóa Kinh doanh - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, Massan đã vi phạm Luật Quảng cáo ở Khoản 5, Điều 8 và đây là sai lầm không thể biện minh.
Vì Luật Quảng cáo đã quy định rất rõ những gì doanh nghiệp được làm và không được làm liên quan đến những thông điệp quảng cáo, như quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hoá, Lãnh tụ, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Ông Phùng Quốc Hiếu, Giảng viên Bộ môn Văn hóa Kinh doanh - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội |
Theo ông Hiếu, cơ quan chức năng (Thanh tra Văn hóa; Quản lý thị trường...) cần làm rõ thêm động cơ của việc này, xem đây có phải là chủ trương từ lãnh đạo Massan hay chỉ là sự "ngây thơ", "vô ý" của một số nhân viên kinh doanh được giao nhiệm vụ làm công tác trưng bày?
“Nếu là chủ trương của lãnh đạo Massan thì cần xử lý thật nghiêm để tránh việc các doanh nghiệp lợi dụng scandal để quảng bá hình ảnh. Hơn nữa, Siêu thị Lotte Liễu Giai trong vụ việc này cũng phải có trách nhiệm liên đới trong việc quản lý các đơn vị, doanh nghiệp tham gia các hoạt động tại nơi mình đang quản lý hoặc cho thuê không gian mặt bằng kinh doanh”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cho rằng, trong xu thế hiện nay, quảng cáo là công cụ hữu hiệu để quảng bá hình ảnh, sản phẩm cho mỗi doanh nghiệp. Nhưng quảng cáo chỉ là một biện pháp xúc tiến kinh doanh, có tác dụng kích thích sản xuất kinh doanh, nó không phải là yếu tố duy nhất, quyết định hiệu quả của toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh.
Do đó, quảng cáo phải đồng bộ với chất lượng và các dịch vụ khác để tạo nên hiệu quả thương hiệu doanh nghiệp bền vững. Nếu nội dung, thông điệp quảng cáo không đáp ứng được những yêu cầu về tính trung thực, thẩm mỹ, đạo đức thì sẽ tạo hiệu ứng ngược, làm cho dư luận - khách hàng quay lưng lại với doanh nghiệp.
Chính vì thế, văn hóa kinh doanh đặt ra yêu cầu trước hết với các doanh nghiệp đó là việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ đạo đức kinh doanh. Trước khi làm hay, làm tốt, làm giỏi thì doanh nghiệp cần phải làm đúng.
“Đối với một doanh nghiệp, chữ tín là tài sản vô giá. Trong các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp luôn phải lưu ý để xây dựng hình ảnh, niềm tin đối với khách hàng - đó là yêu cầu tất yếu để các doanh nghiệp có thể bay cao, bay xa”, ông Hiếu khẳng định./.
Bộ VHTTDL vào cuộc xử lý vụ Masan tạo hình Lăng Bác bằng chai tương ớt