Ngành hàng cá tra cần tái cấu trúc để trở lại thời hoàng kim
VOV.VN - Để phát triển ổn định và bền vững ngành hàng cá tra cần có nhiều giải pháp trong chuỗi liên kết sản xuất từ đầu vào cho đến đầu ra.
Hiện nay, ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng đang có xu hướng khôi phục và phát triển trở lại. Tuy nhiên, để phát triển ổn định và bền vững ngành hàng này, tỉnh An Giang đã và đang nỗ lực với nhiều giải pháp trong chuỗi liên kết sản xuất từ đầu vào đến đầu ra của ngành hàng này.
An Giang là địa phương có vùng nuôi cá tra tập trung, với diện tích mặt nước đạt khoảng gần 1.300 ha. Hiện tỉnh có 16 doanh nghiệp với hơn 20 nhà máy chế biến cá tra hoạt động, tổng công suất thiết kế khoảng 300.000 tấn thành phẩm/năm.
Từ đầu năm đến nay, sản xuất chế biến cá tra theo chuỗi liên kết tại An Giang đạt gần 150.000 tấn, tăng hơn 13.000 tấn so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu đến 76 quốc gia, trong đó xuất khẩu cao nhất sang các nước châu Á, thứ hai là các nước châu Âu.
An Giang là địa phương có vùng nuôi cá tra tập trung. |
Tuy nhiên, để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, bền vững, An Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến quy hoạch vùng nuôi, chọn lựa con giống tốt; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, cung ứng sản phẩm cho chế biến xuất khẩu phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc…Đặc biệt là việc sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao là một trong những khâu quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất chế biến cá tra.
Ông Phan Hồng Cương, Phó Giám đốc Trung tâm giống thuỷ sản An Giang cho biết, đơn vị đã triển khai cung cấp cá tra bột cho hơn 20 thành viên tham gia chuỗi cung ứng giống cá tra 3 cấp. Qua đó đảm bảo đủ số lượng 180 triệu con cá tra bột để các cơ sở ương dưỡng cá tra giống cung cấp cho người nuôi; phục vụ cho kế hoạch xuất khẩu cá tra vào đầu năm 2018.
“Từ khâu kiểm định chất lượng cá tra bố mẹ phải chuẩn theo đúng những tiêu chí đặt ra về tốc độ tăng trưởng, kháng bệnh…Đối với quy trình ương sử dụng các chế phẩm vi sinh, không sử dụng kháng sinh để nâng cao chất lượng cá giống đồng thời còn truy xuất được nguồn gốc, có hồ sơ rõ ràng”, ông Cương cho biết.
Bên cạnh việc sản xuất con giống, An Giang từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm; liên kết từ nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu, trong đó vai trò của doanh nghiệp là nòng cốt.
Các hộ nuôi cá tra thương phẩm liên kết với các doanh nghiệp được doanh nghiệp hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm; lợi nhuận được đảm bảo, người nuôi yên tâm sản xuất. Doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sẽ có nguồn cung nguyên liệu phục vụ cho chế biến ổn định, chất lượng đảm bảo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương - một trong những doanh nghiệp đang tham gia chuỗi liên kết sản xuất chế biến cá tra xuất khẩu tại An Giang cho biết, liên kết phải mang tính bền vững và phát triển lâu dài. Địa phương phải chọn được vùng nuôi đảm bảo chất lượng từ đó giảm giá thành và những người nông dân có uy tín, doanh nghiệp cung cấp thức ăn cho hộ nuôi và đồng thời bao tiêu sản phẩm.
“Chuỗi phải liên kết phải có sự quản lý giữa cơ sở cung cấp thức ăn, cơ sở chế biến để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân”, ông Minh cho biết.
Hiện nay, ngành nông nghiệp An Giang đang quản lý chặt vùng nuôi theo quy hoạch; không gia tăng về công suất chế biến để tập trung vào đổi mới dây chuyền công nghệ của các nhà máy hiện có theo hướng hiện đại. Từ đó gia tăng năng suất, chất lượng, nâng cao tỷ trọng sản phẩm; đồng thời xác nhận và cấp giấy xác nhận nuôi cá tra thương phẩm cho doanh nghiệp và hộ dân nuôi theo hợp đồng liên kết sản xuất với chế biến xuất khẩu.
Chế biến cá tra xuất khẩu. |
“Thị trường cá tra hiện nay phát triển khá bền vững, giá cá phi lê xuất khẩu đang tăng. Theo chỉ đạo của Tổng cục thuỷ sản, cần ổn định diện tích nuôi cá tra, bám theo quy hoạch hiện có và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nhưng tăng giá trị về giống và chất lượng, đảm bảo quy trình nuôi đúng kỹ thuật, tăng hiệu quả và lợi nhuận của nông dân”, ông Thư nêu rõ.
Thực tế thời gian qua cho thấy, sản xuất và xuất khẩu cá tra luôn bấp bênh và còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy theo ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, yêu cầu đặt ra cho địa phương hiện nay là phải hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất từ khâu sản xuất giống tới đầu ra của thị trường. Từ đó đưa con ca tra trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương.
“Cá tra và lúa gạo là 2 mặt hàng được Chính phủ công nhận là mặt hàng chiến lược quốc gia. Do đó, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến giải pháp liên doanh nghiệp từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng chế biến, xuất khẩu để đưa con cá tra trở lại vị thế dẫn dầu của nó trong nền nông nghiệp Việt Nam”, ông Thi cho biết.
Để phát triển ổn định và bền vững ngành hàng cá tra, vấn đề đặt ra là cần phải nỗ lực với nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc quy hoạch vùng nuôi, chọn lựa con giống tốt, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi; cung ứng sản phẩm cho chế biến xuất khẩu phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đây chính là việc làm cấp thiết hiện nay./.
Muốn phát triển bền vững ngành cá tra, cần nguồn giống chất lượng cao