Người dân Đà Nẵng bắt đầu mua sắm Tết, siêu thị, tiểu thương phấn khởi
VOV.VN - Ngày 29/1, tức 27 tháng chạp, sức mua sắm các mặt hàng thiết yếu Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 tại thành phố Đà Nẵng đã tăng mạnh.
Các ngành chức năng thành phố này phối hợp tăng cường, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Thời điểm này, tại các siêu thị, cửa hàng tạp hoá, chợ truyền thống ở thành phố Đà Nẵng đã sôi động hơn, sức mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng Tết nguyên đán tăng cao hơn so với hồi đầu tuần.
Bà Trần Thị Thu, tiểu thương chợ Cồn, quận Hải Châu cho biết, mấy hôm trước không dám nhập quá nhiều hàng Tết vì ngại dịch bệnh, lo hàng hoá tồn đọng… Tuy nhiên, hiện nay, lượng người đến chợ tăng gấp nhiều lần so với trước. Bà Thu phấn khởi nói: ngày thường, bà chỉ bán được khoảng 10kg bánh kẹo các loại nhưng hiện nay, mỗi ngày bán được trên 1 tạ bánh kẹo.
“Lượng khách hàng đến chợ cũng đông mua sắm, người đi mua hàng ai cũng đeo khẩu trang, hàng hoá thì giá cả cũng ổn định. Càng giáp Tết càng đông cũng có nhiều niềm vui và nhiều cảm xúc hơn. Sản lượng tăng cao cũng có đồng ra, đồng vào, tiểu thương rất là vui”, bà Thu nói.
Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Ban quản lý chợ Cồn, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết: sức mua tại chợ đối với các mặt hàng đặc sản, hàng bánh kẹo mứt, hàng tiêu dùng thiết yếu dịp Tết đã tăng đột biến. Hàng hóa tại chợ dồi dào, đảm bảo chất lượng… tiểu thương rất phấn khởi.
“Bà con kinh doanh tại chợ tập trung lượng hàng hoá về để bán Tết phục vụ nhân dân. Năm nay bà con tăng lượng hàng lên khoảng 20%- 30%, chủ yếu là bánh, mứt, hạt dưa, lương thực, thực phẩm để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày, sắm sửa 3 ngày Tết của người dân. Người dân đến chợ 2 ngày nay bắt đầu tăng lên, nhu cầu mua sắm có khởi sắc. Ban quản lý đã phối hợp với Cục quản lý thị trường và các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, giá cả các mặt hàng phục vụ bà con trong dịp Tết này”, ông Hùng cho hay.
Hiện nay, siêu thị Go, Big C Đà Nẵng đã chuẩn bị hàng hoá tổng trị giá khoảng 300 tỷ đồng phục vụ Tết Nguyên đán. Để kích cầu người tiêu dùng, siêu thị tổ chức nhiều chương trình giảm giá đặc biệt dành cho khách hàng đến mua sắm.
“Thời điểm này lượng khách hàng ngày một tăng rất lớn, đặc biệt bắt đầu từ ngày hôm nay đạt đến đỉnh điểm. Lượng hàng hoá cho đến thời điểm này, siêu thị tích trữ rất nhiều. Hôm nay so với hôm qua tăng lên gấp đôi về lượng khách hàng cũng như về mặt doanh số. Dịp Tết người dân tập trung chủ yếu vào hàng tươi sống nhiều như thịt cá, rau, củ, quả còn bánh trái và rượu bia họ mua từ 10 ngày trước. Chúng tôi đang chạy chương trình giảm giá”, bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị Go, Big C Đà Nẵng cho biết.
Phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nhâm Dần năm 2022, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cam kết dự trữ háng hoá, tổng trị giá 1.900 tỷ đồng. Cụ thể, nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu lương thực như gạo nếp, thực phẩm tươi sống, thị gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản, trứng gà, trứng vịt, rau củ quả…. Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng vận động các doanh nghiệp cung ứng, phân phối thịt heo tổ chức 20 điểm bán gần khu vực chợ, các khu dân cư, cam kết bán thấp hơn thị trường và giữ mức ổn định.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị đưa hàng lên phục vụ đồng bào miền núi huyện Hoà Vang. Trước nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tăng cao, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng cùng các đơn vị liên quan thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán./.