Người nuôi ong “sốc” trước mức thuế bán phá giá của Mỹ
VOV.VN - Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong đang hy vọng trong đợt xem xét cuối cùng vào ngày 7/4 tới, Bộ Thương mại Mỹ sẽ có tính toán và đưa ra phán quyết hợp lý về mức thuế chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam.
Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 54.000 tấn mật ong vào thị trường Mỹ. Cuối năm 2021, sau khi khởi xướng điều tra việc chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam và 4 quốc gia khác, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ và áp mức thuế tạm thời tương ứng 412%. Hiện DOC tiếp tục thẩm tra, xác minh số liệu và làm việc với các bên liên quan để đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 7/4 tới.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 2 doanh nghiệp bắt buộc trong vụ việc điều tra của DOC là Công ty CP Ong mật Đắk Lắk và Công ty CP Ong mật Buôn Mê Thuột (2 công ty chiếm gần 40% lượng mật ong xuất khẩu của cả nước). Để có thêm thông tin về vụ việc này, phóng viên Đài TNVN khu vực Tây Nguyên phỏng vấn ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội xuất khẩu mật ong Việt Nam, Giám đốc Công ty Cp Ong mật Đắk Lắk.
PV: Thưa ông, thông tin Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế tạm thời tương ứng 412% đối với mật ong của Việt Nam đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong như thế nào?
Ông Lê Thanh Vân: Nhận được thông tin áp thuế từ DOC, các DN rất “sốc” với tâm lý ảm đạm và nặng nề. Công ty ong mật Đắk Lắk hiện chiếm 95% mật ong xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Việc áp mức thuế như vậy thật sự khó khăn, khiến ngành mật ong không thể xuất khẩu vào Mỹ. Đến nay, hầu như các doanh nghiệp đều nằm im và hiện doanh nghiệp chúng tôi chỉ mới mua vào một lượng nhỏ để phục vụ nhu cầu trong nước, khoảng 5%.
PV: Bộ Thương mại Mỹ dựa trên cơ sở nào để có thể áp một mức thuế cao như thế đối với mật ong Việt Nam, thưa ông?
Ông Lê Thanh Vân: Trước hết, khi áp dụng thuế chống bán phá giá đối với 1 sản phẩm nhập khẩu, Bộ Thương mại Mỹ lấy giá trị mật ong của một nước khác tương đồng (ví dụ như Ấn Độ) để thay thế vào giá trị mật ong Việt Nam mà họ áp thuế. Nhưng theo chúng tôi tìm hiểu và luật sư trao đổi lại, họ không lấy mật ong của Ấn Độ mà lại lấy mật ong nhập khẩu của Ấn Độ.
Ví dụ, nếu DOC lấy mật ong của New Zealand hoặc UAE để so sánh thì cực đắt. Đáng lẽ giá thành của mật ong Ấn Độ khoảng 10 đồng nhưng giá thành nhập khẩu lên 80 đồng, khi áp vào cho mật ong Việt Nam đã lên tới mức thuế 412%. Đây là sự bất công và phi lý. Theo đạo luật 1930, Luật Chống bán phá giá của Mỹ như vậy sẽ có vấn đề không đúng với giá trị thay thế.
PV: Trước thời hạn ngày 7/4, phía Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu mật ong tại Đắk Lắk nói riêng đã làm gì để DOC xem xét lại phán quyết thưa ông?
Ông Lê Thanh Vân: Tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã gửi công văn cho Thủ tướng và tiếp tục gửi cho các Bộ, ngành đề cập các vấn đề. Thứ nhất, Chính phủ có biện pháp thị trường tiêu thụ mật ong cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp.
Vấn đề thứ hai là đối với các Bộ, ngành như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Trong đó, đặc biệt chú trọng họp với 2 doanh nghiệp bắt buộc là Công ty ong mật Đắk Lắk và Công ty ong mật Buôn Ma Thuột, cùng tìm phương hướng mọi cách vận động đối với Bộ Thương mại Mỹ và cơ quan quản lý của Mỹ tính lại mức thuế cho mật ong Việt Nam.
Đặc biệt, Hiệp hội nhập khẩu Mỹ họ cũng đang lên tiếng và đã có đơn tới Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại việc tính thuế cho mật ong Việt Nam. Bởi đây là một vấn đề phi lý, ngoài sức tưởng tượng của họ. Khi đưa mức thuế lên cao như vậy họ cũng mất một nguồn thu nhập rất lớn từ mật ong Việt Nam, vì mật ong Việt Nam nhiều năm liền đứng đầu xuất khẩu vào Mỹ. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong đang hy vọng trong đợt xem xét cuối cùng vào ngày 7/4 tới, Bộ Thương mại Mỹ sẽ có tính toán và đưa ra phát quyết hợp lý về mức thuế chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!./.