Người tiêu dùng ham giá rẻ, hàng giả vẫn còn đất sống
VOV.VN - Hàng giả, hàng lậu có liên quan đến tâm lý của người tiêu dùng, dù họ biết là hàng giả nhưng vẫn mua bởi giá vừa rẻ lại được sở hữu những thương hiệu nổi tiếng.
Buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại vẫn diễn biến hết sức phức tạp trong những năm qua với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Không chỉ vi phạm trên môi trường thương mại truyền thống, thương mại điện tử cũng đang bị lợi dụng để các đối tượng gia tăng thực hiện các hành vi vi phạm.
Hàng giả, lậu “luồn lách” theo đường chính ngạch
Tại tọa đàm “Nhận diện và giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 28/7, ông Phạm Quốc Lộc, Thành viên Ban lãnh đạo Công ty TNHH URC Việt Nam, Giám Đốc Nhà máy URC Hà Nội bày tỏ, để giữ uy tín thương hiệu, đơn vị đã không ngừng đầu tư về công nghệ kỹ thuật, kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào để có sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng.
“Tuy nhiên, DN vẫn rất lo lắng với vấn nạn hàng giả, bởi hành vi này sẽ gây thiệt hại lớn cho khách hàng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và làm lệch lạc thương hiệu sản phẩm của DN”, ông Lộc bất an.
Đánh giá về thực trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại thời gian qua, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, tính riêng từ đầu năm 2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tốc độ cũng như quy mô và tính phức tạp của hàng giả đã gia tăng. Hàng giả trước đây chỉ có ở một số sản phẩm mỹ phẩm, đồ gia dụng... nhưng giờ hàng giả xuất hiện cả ở mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp cho đến xăng dầu với tính chất ngày càng nghiêm trọng.
Đặc biệt, hàng giả thẩm lậu qua biên giới không chỉ ở quy mô tiểu ngạch mà còn luồn lách bằng đường chính ngạch. Ngay trong nội địa vẫn có những đối tượng ở các làng nghề tiếp tục sản xuất hàng giả. Hiện tượng hàng hóa quá hạn sử dụng bị tẩy xóa, sửa chữa để tiếp tục lưu thông vẫn tái diễn.
“Thị trường phát triển nhiều kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm cùng những cách thức mua sắm dễ dàng cũng tạo điều kiện cho hàng lậu, hàng giả, nhái có cơ hội phát triển, nhất là trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử. Lợi dụng dịch vụ chuyển phát, hàng giả được sản xuất và vận chuyển tương đối công khai khiến cho các lực lượng chức năng rất khó đối phó”, ông Linh chỉ ra.
Thừa nhận hàng giả, hàng nhái cũng như lừa đảo trên môi trường trực tuyến có xu hướng gia tăng, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, các đối tượng ngày càng có những hành vi mới, những thủ đoạn tinh vi hơn, phức tạp hơn.
“Các đối tượng đăng thông tin hoặc livestream bán hàng ở một nơi nhưng kho hàng lại ở nơi khác; thậm chí các đối tượng bán hàng qua trung gian để kiếm lời hoặc chia kho ra ở rất nhiều các tỉnh, thành phố khác nhau, kể cả hàng hóa có ở các khu chung cư nên cơ quan chức năng khi kiểm tra, xử lý vi phạm hết sức khó khăn”, ông Tuấn nêu.
Chung tay ngăn chặn
Thường vào những tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian “nóng” trên mặt trận chống hàng giả, hàng nhái. Để ngăn chặn các vi phạm trong lĩnh vực này rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng. Cùng với đó, các DN cần nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình.
Ông Phạm Quốc Lộc, Giám đốc Nhà máy URC Hà Nội cho rằng, hơn lúc nào hết, DN luôn nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu của mình. DN luôn đăng tải những thông tin chi tiết về sản phẩm trên website chính thức, qua đó các kênh phân phối, nhân viên cũng như khách hàng dễ dàng nhận biết và phân biệt được giữa sản phẩm chính hãng và sản phẩm giả.
“DN tiếp tục đầu tư công nghệ sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là quy trình hoàn thiện sản phẩm, bao bì đóng gói, nhãn mác để các đối tượng muốn làm giả cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, DN chú trọng khâu truy vết nguồn gốc để giúp khách hàng dễ dàng phản hồi mỗi khi phát hiện có sản phẩm vi phạm”, ông Lộc nêu giải pháp.
Nhận thấy công tác đấu tranh chống hàng giả cần sự vào cuộc của tất cả các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định, lĩnh vực thương mại điện tử có sự giao thoa và đan xen giữa rất nhiều các ngành, các lĩnh vực khác nhau nên chỉ khi có sự kết hợp đồng bộ mới giải quyết được vấn nạn hàng giả.
“Cần nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật về thương mại điện tử. Tăng cường trách nhiệm của các chủ sàn thương mại điện tử, yêu cầu họ ký cam kết “nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” và coi họ là nhân tố kiểm soát, phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các đối tượng vi phạm”, ông Tuấn đưa giải pháp.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ 3 Đề án tập trung vào công tác chống hàng giả. Đó là xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm; Đề án chống gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử và Đề án nâng cao năng lực thực thi cho lực lượng quản lý thị trường.
“Một vấn đề hết sức quan trọng, đó là công tác truyền thông cần đa dạng về hình thức để người dân dễ tiếp thu, nhận biết được cách phòng, tránh hàng giả. Hàng giả không phải chỉ là vấn đề lợi nhuận mà còn liên quan đến tâm lý của người tiêu dùng. Người tiêu dùng biết là giả nhưng vẫn mua bởi giá rẻ lại được sở hữu thương hiệu nổi tiếng, nên muốn thay đổi tâm lý và thói quen tiêu dùng là điều rất khó nên cần thêm thời gian”, ông Linh nêu rõ.
Khuyến cáo với các DN, ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho rằng, sản phẩm của DN phải có đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thương hiệu, nhãn hiệu nhận diện để được cơ quan quản lý nhà nước công nhận và làm căn cứ xử lý trước pháp luật đối với các đối tượng làm giả sản phẩm.“Trên thực tế có rất nhiều DN vẫn không đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước. Cá biệt khi lực lượng chức năng xử lý những trường hợp DN bị làm giả hàng hóa, ngay bản thân DN cũng không chứng minh được sản phẩm chính hãng của mình thì sẽ rất khó”, ông Sinh lưu ý./.