Phân bón giả: Bất cập trong quản lý
VOV.VN –Hiện nay 1 đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón sẽ phải có 2 giấy phép và chịu sự quản lý của 2 Bộ gây nhiều khó khăn về thủ tục hành chính
Sáng 12/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón Việt Nam tổ chức hội thảo toàn quốc về thực trạng thị trường phân bón Việt Nam, thế giới và định hướng tái cơ cấu nền phân bón Việt Nam.
Giảm thuế phân bón và tăng cường quản lý Nhà nước để chấn chỉnh tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng là nội dung chính tại hội thảo. Phân bón đóng vai trò vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 60% chi phí đầu vào. Vì vậy, việc giảm giá thành và đảm bảo chất lượng phân bón trên thị trường góp phần quyết định vào năng suất chất lượng các sản phẩm trong trồng trọt.
Tuy nhiên, phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn ngang nhiên tồn tại gây nhiều thiệt hại cho nông dân, sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Để qua mắt các cơ quan chức năng, các công ty sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón nhái nhãn mác đã áp dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để “qua mặt” cơ quan chức năng. Phải mất rất nhiều thời gian điều tra, bố trí người thăm dò, các cơ quan chuyên ngành mới bắt được….
Hội thảo toàn quốc tìm giải pháp cho thị trường phân bón. |
Ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần phân bón Bình Điền – Phó chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, những sản phẩm phân bón của các doanh nghiệp có thương hiệu lớn, được bà con nông dân tin dùng thường bị các cơ sở làm giả.
“Hành vi gian lận và làm giả phân bón rất khác ngày xưa, ví dụ đối tượng vận chuyển và hẹn địa điểm với người mua để tránh cơ quan chức năng. Nếu bị phát hiện thường cơ quan quản lý thị trường chỉ bắt giữ được phương tiện chuyển chứ không ngăn chặn được đầu mối cơ sở sản xuất, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý phân bón,” ông Phong nói.
Thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có 30 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón với 6 nghìn loại phân bón khác nhau. Do quá nhiều loại phân bón lẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc quản lý chất lượng rất khó khăn.
Sự chồng chéo trong cơ chế quản lý thị trường phân bón như: phân vô cơ do Bộ Công Thương quản lý, còn phân hữu cơ thuộc về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với những hạn chế của lực lượng quản lý thị trường như: nguồn lực, lực lượng “mỏng”, mức phạt hành chính còn thấp... là nguyên nhân hoạt động kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng phát triển.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc công ty Công nông nghiệp Tiến Nông đề nghị xem xét lại việc quản lý mặt hàng phân bón giữa 2 Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp để có sự thống nhất cao về công tác chỉ đạo.
“Hiện nay 1 đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón sẽ phải có 2 giấy phép và chịu sự quản lý của 2 Bộ gây nhiều khó khăn về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngoài việc phải đăng ký kinh doanh, các cơ sở, công ty sản xuất phân bón phải có vốn điều lệ trên 30 tỷ đồng, có phòng thí nghiệm và cơ sở hạ tầng đảm bảo sản xuất công suất lớn, bởi nếu không có quy định mà chỉ cần số vốn 500 triệu đến 2 tỷ đồng cũng có thể đăng ký thì bất cập,” ông Nguyễn Hồng Phong nêu quan điểm.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ và đóng góp ý kiến về định hướng tái cơ cấu hệ thống sản xuất phân bón Việt Nam. Nhiều đại biểu cho rằng, trong quy hoạch ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam cần chú ý đến năng lực, công suất và chất lượng các công ty sản xuất phân bón chứ không chạy theo số lượng để đảm bảo quản lý và vận hành thị trường phân bón hiệu quả./.