Phạt gấp 5 lần số tiền thu lợi bất chính
VOV.VN -Đó là nội dung Nghị định 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Từ ngày 15/9/2013, mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi bán hàng hóa kém chất lượng, thiếu số lượng, không đạt chuẩn đã công bố… sẽ gấp 5 lần số tiền thu lợi bất chính.
Việc tăng mức phạt tiền đối với hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là cần thiết |
Đó là nội dung Nghị định 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong lĩnh vực đo lường, mức phạt tối đa cũng tăng gấp 3 lần, lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn TS Nguyễn Minh Phong, Phó Ban Tuyên truyền Lý luận báo Nhân Dân, xung quanh vấn đề này.
** PV: Thưa TS. Nguyễn Minh Phong, với Nghị định 80/2013/NĐ-CP, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay liệu có giảm?
TS Nguyễn Minh Phong: Phải ghi nhận việc đưa vào luật định những mức xử phạt, chế tài mang tính nghiêm khắc như vậy là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiệu quả của nó đến đâu còn tùy thuộc vào hai vấn đề. Một là sự phân công, phân cấp cho những người tham gia thực hiện cũng như tinh thần thực hiện của những người đó, có đảm bảo bám sát được thực tế, bắt đúng đối tượng và đảm bảo bằng chứng việc gian lận đó hay không. Thứ hai, chế tài này đòi hỏi khả năng truy tìm, thu tiền. Với những tổ chức, chúng ta hoàn toàn có khả năng thu hồi được 200 triệu đồng tiền phạt vi phạm thông qua việc cưỡng chế hoặc đóng tài khoản ở ngân hàng. Nhưng với tư nhân, việc thu hồi tiền phạt sẽ khó hơn. Vì thế, trong hướng dẫn thực hiện Nghị định này cần bổ sung những quy định cụ thể. Ví dụ, buộc các hộ kinh doanh phải có một khoản tiền nhất định gửi qua ngân hàng như một tài khoản đặt cọc để khi có vi phạm, Nhà nước sẽ tự động khấu trừ. Như vậy sẽ đảm bảo tính khả thi cao hơn.
** PV: Theo ông, mức phạt quy định trong Nghị định này đã đủ mạnh để răn đe những người bán hàng gian lận?
TS Nguyễn Minh Phong: Theo Luật Hình sự, đối với các hành vi vi phạm này, mức phạt có thể gấp 10 lần số tiền thu lợi bất chính. Mức phạt gấp 5 lần chỉ vừa đủ nghiêm. Trong bối cảnh hiện nay, mức phạt thử nghiệm này đảm bảo tính khả thi cao hơn.
** PV: Ngoài việc xử phạt vi phạm, theo ông, cần thêm những biện pháp nào để giải quyết tình trạng hàng giả, nhái và kém chất lượng?
TS Nguyễn Minh Phong: Giải pháp xử phạt vi phạm chỉ là biện pháp cuối cùng. Để nhằm mục tiêu cao nhất là ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, cân đo đong đếm gian lận thì phải có một loạt những giải pháp trước và sau đấy. Trước đấy là vấn đề quy chuẩn hóa chất lượng các loại dụng cụ đo lường để người tiêu dùng biết và có những điều kiện dịch vụ để họ có thể thử nghiệm, nhận diện được ngay và chính xác đúng hay sai, giả hay thật, chứ không phải chạy về nhà cân đo mới biết, khi đó thì hết bằng chứng.
Thứ hai, cần phải có hệ thống thông tin, quảng bá rộng rãi đến mọi người, nhất là những thông tin mang tính chất trừng phạt. Thứ ba, phải có bộ máy tổ chức thực tế, có đường dây nóng, có các trụ sở, có người thực thi, để tiếp nhận kịp thời và xử lý đúng các ý kiến phản ánh. Cuối cùng, khâu xét xử và chế tài phải thực chất. Cần phải kiện toàn lại cả công tác xét xử của tòa án, của các cấp chính quyền và các biện pháp thực thi trên thực tế./.