Sầu riêng xuất khẩu nhận "cảnh báo khẩn"
Trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc phải là cây sầu trồng thuần, không được trồng xen. Trong khi đó, người nông dân đang bổ sung, trồng sầu riêng xen lẫn hồ tiêu.
Giá tiêu giảm và đang điều chỉnh theo chu kỳ ổn định, trong khi sầu riêng mang lại lợi nhuận cao nên bà con nông dân tìm cách trồng cây sầu riêng xen với các vườn tiêu. Thông tin này được bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) - đưa ra tại một hội nghị về xuất khẩu hồ tiêu cuối tháng 12/2022.
Theo bà Liên, nông dân thấy trái sầu riêng được xuất chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, lập kỷ lục tăng trưởng, nên họ trồng xen lẫn hồ tiêu để tăng thu nhập. Thực trạng này giống 3-4 năm trước đối với cây bơ hay mít, có lợi thì đương nhiên người dân sẽ làm.
Dẫu vậy, các bên liên quan cần giải thích rõ cho người dân, trong quy định về mở cửa chính ngạch cho sầu riêng sang nước nước bạn. Trái sầu muốn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng phải là cây sầu trồng thuần, không được trồng xen. Nếu trồng xen thì không đủ điều kiện xuất khẩu và không được phía Trung Quốc chấp nhận. Đây là thỏa thuận đã ký giữa cơ quan nông nghiệp hai nước, theo Chủ tịch VPA.
“Ngoài ra, cây sầu đặc thù có rệp, bà con phải phun thuốc. Bởi vậy, nếu trồng xen sầu riêng với hồ tiêu (vốn là loại cây yếu, nhạy cảm), quá trình phun xịt thuốc chống rầy, rệp dễ gây ảnh hưởng cho cây tiêu”, bà Liên lưu ý thêm.
Hiện tiềm năng xuất khẩu tiêu sang thị trường EU lớn. Đơn cử, năm 2022, khoảng 45% lượng tiêu nhập khẩu của EU là từ Việt Nam. Tuy nhiên, muốn bán mặt hàng này sang EU, người nông dân cần hiểu rõ quy định, điều chỉnh liều lượng thuốc bảo vệ thực vật để khi ra sản phẩm không bị dính tồn dư, không nên bón thúc để cây nhanh hết bệnh.
EU đang có gần 600 quy định về MRL (Maximum Residue Level - Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) đối với ngành tiêu và gia vị. Đáng chú ý, Việt Nam có khoảng 10-15 chất có tỷ lệ test mẫu với tần suất xuất hiện thường xuyên, có những chất vượt ngưỡng. Đây là nỗi lo của Chủ tịch VPA về xuất khẩu khi người nông dân một số nơi chưa hợp tác ngay từ vườn trồng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Nhật Minh, đại diện Công ty Việt Nam Insight, cũng dẫn chứng, tháng 11/2021, 120 lô hạt tiêu đen từ Brazil từng bị thị trường EU từ chối nhập khẩu ngay tại biên giới. Sau khi hồ tiêu Brazil có vấn đề, EU đã có động thái kiểm soát kỹ hơn. Do đó, Việt Nam khi xuất hồ tiêu vào thị trường EU thì các yếu tố như dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản là các vấn đề rất nhạy cảm cần quan tâm.
Thông tin từ VPA, đến hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 211.507 tấn hồ tiêu các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 911,1 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 748,6 triệu USD, tiêu trắng đạt 162,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu giảm 14,9% (tương đương 37.015 tấn) nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng 3,9% (tương đương 34 triệu USD). Hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới.
Trong khi đó, tính đến hết tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sầu riêng đạt 293,6 triệu USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện sầu riêng chiếm 17,3% tổng giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam trong 10 tháng năm 2022.
Theo thống kê, chỉ trong tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng 4.120% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng chưa từng có trong lịch sử ngành sầu riêng Việt Nam./.