Thị trường chứng khoán Hy Lạp mở cửa trở lại
VOV.VN - Sau 5 tuần đóng cửa, thị trường chứng khoán Hy Lạp mở cửa hoàn toàn với nhà đầu tư nước ngoài, vẫn hạn chế với nhà đầu tư trong nước.
Thị trường chứng khoán Hy Lạp ngày 3/8 đã mở cửa trở lại, song được dự báo sẽ đầy biến động sau 5 tuần phải đóng cửa do cuộc khủng hoảng nợ buộc Chính phủ phải áp đặt các lệnh kiểm soát tài chính nghiêm ngặt. Trước mắt thị trường chứng khoán sẽ chỉ mở cửa cho các nhà đầu tư có trụ sở tại Hy Lạp.
Thị trường chứng khoán Ai Cập đóng cửa từ hôm 29/6 vừa qua, 1 ngày trước thông báo của Thủ tướng Alexis Tsipras tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế. Ông Alexis Tsiprashi vọng biện pháp này sẽ giúp Hy Lạp thoát khỏi sự bế tắc kéo dài trong cuộc đàm phán với Ủy ban châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế.
Thị trường chứng khoán Hy Lạp mở cửa trở lại nhưng không khởi sắc. (Ảnh minh họa: cnbc.com) |
Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư trong nước sẽ không thể vừa đầu tư vào việc mua tín phiếu lại vừa rút tiền trong các tài khoản ngân hàng tại Hy Lạp, do các biện pháp kiểm soát luồng vốn vẫn đang được áp dụng. Ngược lại, họ có thể sử dụng các tài khoản ở nước ngoài hay thực hiện các giao dịch bằng tiền mặt.
Các chuyên gia dự báo, chỉ số chứng khoán của Hy Lạp có thể sẽ giảm mạnh khi mở cửa trở lại, với mức giảm có thể lên tới 20%. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà đầu tư khá bi quan về đà phục hồi của nền kinh tế Hy Lạp.
Đồng thời, nhiều nhà đầu tư còn lo ngại về khả năng Chính phủ Hy Lạp có thể không đạt được thỏa thuận về một gói hỗ trợ tài chính thứ 3 cho Hy Lạp và thậm chí, không loại trừ khả năng chính quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ phải tổ chức bầu cử trước thời hạn do những bất đồng chính trị nảy sinh sau thỏa thuận đạt được với các chủ nợ.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu dự đoán kinh tế Hy Lạp sẽ lại rơi vào vòng suy thoái trong năm tài khóa 2015, với mức suy giảm từ 2 - 4%.
Ngay cả Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras mới đây cũng phải thừa nhận nước này luôn sẵn sàng một kế hoạch B trong trường hợp xấu nhất, tức là nước này không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ và phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
“Chúng tôi không lên kế hoạch để đưa đất nước ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Nếu các chủ nợ quốc tế có một kế hoạch cho sự ra đi của Hy Lạp hoặc họ sẵn sàng tuyên bố công khai kế hoạch này thì Chính phủ Hy Lạp nên cần phải có sự đề phòng. Vì thế tôi đã chỉ thị cho Bộ Tài chính chuẩn bị kế hoạch đề phòng trong trường hợp khẩn cấp. Về mặt chính trị sẽ là vô trách nhiệm nếu chúng tôi không làm như vậy”, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói.
Hy Lạp và các chủ nợ hôm 13/7 đã đạt được một thỏa thuận để mở đường cho các cuộc đàm phán về gói cứu trợ thứ 3 và tiến trình này được dự báo là không kém phần khó khăn, đặc biệt là do bất đồng giữa các chủ nợ về việc giảm nợ công cho Hy Lạp, theo như yêu cầu của Ngân hàng trung ương châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế và cả Pháp. Song vấn đề này lại đang gây chia rẽ giữa các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu khi Đức, nền kinh tế hàng đầu châu lục lại không muốn đề cập đến.
Dự kiến, ngày 4/8, Hy Lạp sẽ bắt đầu đàm phán chi tiết về gói cứu trợ thứ ba với các chủ nợ quốc tế, với số tiền lên đến 86 tỉ euro, tương đương 96 tỉ USD trong vòng 3 năm. Chính phủ Hy Lạp muốn hoàn tất thỏa thuận từ nay đến cuối tháng 8./.