Thị trường sữa: 1001 kiểu lách giá trần
VOV.VN - Nhiều hãng sữa đã đưa ra những “chiêu trò” để lách luật giá trần, nếu xét hành vi có thể bị xử lý vi phạm một số điều luật kinh doanh.
Tính đến thời điểm này, việc áp giá trần đối với giá bán lẻ sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã thực hiện được hơn 3 tuần. Cơ quan quản lý hy vọng việc áp giá trần sữa sẽ góp phần giữ ổn định giá sữa, tránh tình trạng tăng giá vô tội vạ. Nhưng thực tế 3 tuần đầu tiên áp dụng giá trần cho thấy: kiểm soát giá sữa vẫn là việc vô cùng khó khăn.
Khoảng 1 tháng qua, các cửa hàng sữa đều treo những tờ giấy thông báo của các công ty nhập khẩu sữa, cho biết cụ thể mức giá của từng loại sữa đã được Bộ Tài chính quy định giá trần. Theo thông báo đó, nhìn chung giá sữa sau ngày 21/6/2014 đều trong xu hướng giảm ít nhất là 5.000 đồng/hộp 400gr. Nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Chỉ có ở Việt Nam mới có sữa 900 gram chứ trên thế giới “làm gì có” (?)
Chị Phương Anh, một khách mua sữa tại cửa hàng Toàn Thịnh, phố Hàng Buồm, Hà Nội - cho biết: “Tôi thấy giá sữa không giảm, tôi mua sữa của Abbot, hộp 900 gr giá vẫn vậy và trọng lượng cũng không đổi.”
Cũng có một số khách hàng mua được sữa với giá thấp hơn, nhưng với trọng lượng chỉ còn 800 - 850 gram. Nhân viên bán hàng của một hãng sữa nhập khẩu giải thích: Chỉ có ở Việt Nam mới có sữa 900 gram chứ trên thế giới “làm gì có”. Thế nhưng điều đáng quan tâm là loại sữa “thế giới làm gì có” đó đã tồn tại trên thị trường Việt Nam nhiều năm nay. Có điều sau mỗi lần cơ quan quản lý siết chặt công tác quản lý giá thì trọng lượng của hộp sữa lại giảm, từ 1 kg xuống 900 gr, từ 900 gr xuống 850 gr và bây giờ là 800 gr. Theo các chuyên gia, đây chẳng qua là chiêu trò lách bảng giá trần của các hãng sữa. Với mức giá như cũ những trọng lượng giảm 50 - 100gr so với loại bao bì cũ, nên tính ra mỗi hộp sữa loại này đắt hơn so với trước khoảng 40.000 đồng/hộp.
Trong khi đó, loại sữa dòng Enfa được công ty Mead Johnson giới thiệu là “mẫu mã mới, có nhiều dưỡng chất hơn” và giá bán cũng cao hơn 5 - 10% trên thực tế về thành phần hầu như không thay đổi so với loại sữa đã bán trước đó. Các loại sữa “mẫu mã mới” của các hãng khác cũng trong tình trạng tương tự. Đây chỉ một trong những chiêu trò được các hãng sữa áp dụng để tăng giá.
Theo phân tích của luật sư Lê Hồng Lam - Công ty Luật Lạc Việt - nếu điều tra đến cùng hành vi này của các công ty sữa thì hoàn toàn có thể xử lý được những vi phạm của họ: “Đối với việc thay đổi mẫu mã, doanh nghiệp phải tuân thủ Luật Xuất bản và Luật Quảng cáo khi muốn thay đổi nội dung in trên bao bì, sau khi đã thực hiện đúng nội dung đã đăng ký thì doanh nghiệp phải công bố công khai về những sự thay đổi trên bao bì, thay đổi về trọng lượng, giá cả... Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng theo các bước này thì hoàn toàn có thể xử lý.”
Theo phân tích của nhiều chuyên gia thương mại, về lý thuyết, cơ quan quản lý có đầy đủ công cụ để kiểm soát giá sữa, nhưng trên thực tế, việc quản lý giá sữa sẽ khó thành công nếu như không nắm được nguồn cung. Thực tế, thị trường sữa không có độc quyền vì có tới 200 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu sữa, nhưng về bản chất thì chỉ có một số rất ít doanh nghiệp trực tiếp tham gia nhập khẩu những mặt hàng sữa chính. Điều này thực chất không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh.
Luật sư Lê Thị Lan Phương - Công ty luật Ưu Việt - phân tích: “Theo quy định của Luật Cạnh tranh thì doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan, tùy theo số lượng doanh nghiệp tham gia nhóm. Do đó, theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước có thể điều tra và làm rõ có tình trạng các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường sữa hay không để tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.”
Ông Trần Đình Hồng - Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Hà Tĩnh - phản ánh: “Theo khảo sát của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Hà Tĩnh một số nhãn sữa thay bao bì mới với giá tăng khoảng 5% so với giá bán trước đó, cũng có doanh nghiệp đưa ra loại sữa có trọng lượng tịnh ít hơn so với trước đó. Chúng tôi đang khảo sát để đề xuất các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra những yếu tố bất hợp lý của giá sữa. Theo tôi, nếu chỉ để một mình ngành tài chính làm sẽ không thể quán xuyến hết.”