Tiềm năng lớn cho thương mại điện tử trên nền tảng di động
VOV.VN - Năm 2014 doanh thu bán lẻ từ thương mại điện tử đạt 2,97 tỷ USD tăng 35% so với 2013, chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Việc phát triển và ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động để hoạt động kinh doanh đang trở thành xu thế mới của thế giới và Việt Nam, có thể chiếm 50% vào năm 2018. Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo Phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động do Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 18/3.
Theo Bộ Công Thương, thị trường Việt Nam năm 2014 thể hiện tiềm năng rất lớn cho thương mại điện tử trên nền tảng di động (Mobile E-commerce). Với dân số 90 triệu người, có tới gần 40% sử dụng Internet, số lượng thuê bao di động trên 130 triệu thuê bao, trong đó gần 35% dân số có sử dụng internet qua nền tảng di động.
Hiện có 5 xu hướng chính của thị trường thương mại điện tử trên nền tảng di động Việt Nam. Trong đó, ngoài dịch vụ thanh toán ngân hàng, nội dung số, ứng dụng trò chơi trên di động, thì dịch vụ thương mại và tương tác trên đặt chỗ taxi trên di động phát triển mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận.
Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2015, dịch vụ taxi sẽ xuất hiện thêm doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường tiềm năng này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sendo, một trong những công ty mua sắm trực tuyến cho biết, hiện còn nhiều vấn đề còn tồn tại trong phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động tại Việt Nam.
“Việt Nam được đánh giá là một trong những nơi có cơ sở hạ tầng về internet trên di động rất tốt so với các nước trong khu vực. 3G được phủ sóng rộng rãi, miễn phí wifi ở nhiều nơi đặc biệt là ở các thành phố lớn.Liên quan đến chính sách trong thương mại điện tử nói chung còn nhiều vấn đề. Ví dụ thu thuế như thế nào, thanh toán như thế nào. Hiện thu thuế người bán trên thương mại điện tử vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng, khiến việc kinh doanh trên thương mại điện tử khó kiểm soát về doanh thu và thị trường. Khi có khung khổ pháp lý chặt chẽ, doanh nghiệp sẽ thuận lợi và đỡ lúng túng hơn trong hoạt động”, ông Hoàng cho biết.
Thương mại điện tử trên nền tảng di động tại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tiên phát triển. Đây cũng là cơ hội lớn cho các nhà phát triển ứng dụng cũng như các doanh nghiệp để mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ. Phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp và nhà quản lý.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho rằng, cần có các giải pháp về chính sách, quản lý và công nghệ để cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng đảm bảo vấn đề an toàn trong giao dịch và thanh toán.
“Chính sách cần phải cố gắng theo kịp thực tiễn. Nghị định 125 vừa rồi đã phát huy hiệu quả tốt trên lĩnh vực website. Trên nền tảng di động, các cơ quan quản lý nhà nước đang phối hợp có những điều chỉnh phù hợp. Quan trọng nhất là tạo lập môi trường chính sách, do đó cơ quan sẽ nghiên cứu và dự thảo thông tư để phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động. Ngoài ra cũng sẽ có hoạt động phát triển lĩnh vực này, ngày mua sắm trực tuyến sẽ ưu tiên tập trung nhiều trên các thiết bị di động”, ông Linh chỉ rõ./.