Tỷ giá USD liên tục phá đỉnh

VOV.VN -Trong ngày 30/7, đồng USD tiếp tục phá kỷ lục từ trước tới nay; đặc biệt trên thị trường tự do đồng USD đã tăng 50 - 60 đồng so với cuối tuần trước.

Mở đầu tuần mới, đồng USD đã tăng rất mạnh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ngày 30/7 là 22.659 đồng, tăng 10 đồng so với tuần trước. Biên độ giao động +/-3%, mức trần tỷ giá USD hôm nay được quy định đạt 23.338 đồng/USD. Giá mua vào hôm nay (30/7) được niêm yết 22.700 đồng, giá bán ra vẫn đang ở mức cao kỷ lục 23.289 đồng.

Tại các ngân hàng TMCP cũng có mức tăng tương ứng. Cụ thể, Vietcombank hiện niêm yết giá bán USD ở mức 23.300 đồng, tăng 20 đồng so với cuối tuần trước, ở chiều mua vào giá cũng được đẩy lên mức 23.220 đồng. Trong khi đó, tỷ giá ngoại tệ này tại Vietinbank hiện là 23.219 - 23.299 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 19 đồng ở cả 2 chiều mua và bán, mức giá này cũng cao hơn giá USD tại BIDV 4 đồng ở cả 2 chiều.

Dong USD lien tuc pha 'dinh' hinh anh 1

Đồng USD đang bị 'làm giá' rất cao

Các ngân hàng nhỏ hơn cũng có mức tăng mạnh trong ngày 30/7, như: Sacombank là 23.235 – 23.330 đồng; Eximbank là 23.220 – 23.320 đồng; Techcombank là 23.190 – 23.300 đồng hay tại HSBC là 23.205 – 23.315 đồng/USD…

Trong khi đó, tại thị trường tự do, đồng USD đang bị "làm giá" rất cao. Cụ thể, một số hộ đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang công khai quy đổi ở ngưỡng 23.420 - 23.430 đồng/USD, trong khi giá bán ra đã được đẩy lên ngưỡng 23.460 - 23.470 đồng/USD, tăng 50 - 60 đồng so với cuối tuần trước.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng, xu hướng chính của USD trong những tháng cuối năm vẫn là tăng, thậm chí còn tăng mạnh.

Ông Hiếu giải thích, về tình hình trong nước, lạm phát, nhập siêu đang quay trở lại là những yếu tố chính gây áp lực cho tỷ giá. Bên cạnh đó, áp lực bán ròng trên thị trường chứng khoán để rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng ảnh hưởng tới đồng USD.

Ngoài ra, diễn biến của đồng USD ở thị trường thế giới cũng được ông Hiếu đánh giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ giá trong nước. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng khiến đồng USD mạnh lên; hoặc căng thẳng chính trị ở nhiều nơi trên thế giới cũng tác động vào tỷ giá. Để kiểm soát tỷ giá, ông Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại nhiều chính sách liên quan đến USD. Một trong những biện pháp ông Hiếu nhấn mạnh chính là tăng lãi suất tiền gửi USD.

“Nhiều năm qua, để giảm chính sách đô la hóa, Ngân hàng Nhà nước đã đưa lãi suất tiền gửi USD về 0%. Chính sách này giúp USD bớt nóng, nhưng người dân vẫn có xu hướng nắm giữ đồng USD”, ông Hiếu nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên