Xăng dầu và sức ép tăng thuế môi trường giảm thuế nhập khẩu
VOV.VN - Lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu và tăng thuế môi trường đang đòi hỏi cơ chế điều hành mới đảm bảo phù hợp và hài hòa lợi đích.
Mục tiêu thị trường hóa cơ chế xăng dầu tại Việt Nam đã bắt đầu từ những năm 2000. Thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay đang vận hành theo Nghị định 83 của Chính phủ, đảm bảo mục tiêu từng bước đưa hoạt động xăng dầu theo cơ chế thị trường đầy đủ, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên nhìn vào dài hạn đến năm 2025 và 2030, nếu áp dụng các cơ chế quản lý vận hành thị trường xăng dầu ngắn hạn (4-5 năm) đang cho thấy sự bất cập. Đặc biệt, trước sức ép của mở cửa thị trường khi lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu vào năm 2024 về mức 0% cũng như đặt ra việc bảo vệ thị trường, hệ thống lọc hóa dầu trong nước cũng như hệ thống phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cơ chế quản lý vận hành thị trường xăng dầu ngắn hạn đang cho thấy sự bất cập. (Ảnh minh họa: KT) |
Tăng thuế môi trường xăng dầu cân đối với cắt giảm thuế
Tại Hội thảo “Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế” diễn ra ngày 16/5, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ cho rằng, một vấn đề lớn đang được đặt ra cho các cơ quan hoạch định chính sách tài chính, đó chính là việc xử lý phần hụt thu ngân sách trong lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, bởi đây là nguồn thu quan trọng đóng góp cho phát triển đất nước.
“Trong bối cảnh giá dầu thô giảm thấp, nhà nước sẽ mất rất nhiều tiền, cộng với lộ trình giảm thuế nên tỷ lệ thu từ xăng dầu trước đây chiếm 14 – 15% nguồn thu ngân sách, nay giảm còn 7-8% là mức sụt giảm nghiêm trọng. Để đảm bảo 3 lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tới đây chỉ cần tăng thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít sẽ có thêm nguồn thu rất lớn”, ông Ruệ đề xuất.
Trước mắt, theo ông Ruệ cần điều chỉnh, bổ sung Nghị định 83 phù hợp với thực trạng hiện nay như có quy định cơ chế có doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, ngay năm 2018 cần xem xét, điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.
“Khi thực hiện đầy đủ cơ chế thị trường, giá thị trường, vấn đề quản lý chất lượng, bảo vệ môi trường sẽ là nhiệm vụ chính của cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, phải xây dựng hệ thông tiêu chuẩn chất lượng, giảm thiểu môi trường ở mức cao, giúp thị trường xăng dầu vận hành theo đúng xu thế tiến bộ của thị trường thế giới, bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng ở mức cao hơn”, ông Ruệ cho biết.
Ngoài ra, theo ý kiến của Hiệp hội Xăng dầu, hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và tham gia phân phối xăng dầu thị trường trong nước, đây sẽ là sức ép mở cửa thị trường xăng dầu và xử lý thể chế để xây dựng thị trường xăng dầu trở thành một thị trường hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh.
Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu
Nhận xét về thị trường xăng dầu hiện nay, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho rằng, vai trò điều hành của nhà nước đối với xăng dầu vẫn đang được đặt nặng hơn vai trò của thị trường. Trong toàn bộ cơ cấu giá hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ có quyền đi mua của nước ngoài, còn lại toàn bộ nằm ngoài tầm tay doanh nghiệp. Các loại thuế Nhà nước quy định không thể tính khác, chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức nhà nước cũng quyết định mà đáng lẽ ra việc này phải để doanh nghiệp tự làm
“Mọi vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu đều do nhà nước khống chế nên thị trường hoàn toàn không có việc cạnh tranh. Trong khi đó, tỷ giá do ngân hàng tính toán và đoạt định, công bố với tuần suất, số lần. Nhà nước mặc dù nhà nước không quy định giá trần xăng dầu nhưng lại thay bằng khống chế tỉ lệ tối đa”, ông Thỏa cho biết.
Trong khi đó, theo quy định của Nghị định 83, cơ chế điều hành giá 15 ngày như hiện nay vẫn không làm cho giá xăng dầu tăng, giảm không hợp lý, nhiều khi giá xăng dầu còn đi ngược lại với giá của thế giới.
Từ những thực tế trên, ông Thỏa đề nghị cần phải đổi mới cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước, thay bằng cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Cụ thể là nhà nước can thiệp vào thị trường xăng dầu bằng quy hoạch, kế hoạch và cơ chế chính sách, không phải quản lý bằng luật vì sẽ không phù hợp với xu hướng của thế giới. Việc đề ra biện pháp hành chính không còn phù hợp với cơ chế thị trường.
Đặc biệt, nhà nước không quy định khống chế tỉ lệ điều chỉnh giá, chỉ khi thị trường có cú sốc cung cầu xăng dầu, đột biến giá cả nhà nước mới can thiệp. Đồng thời, giảm thời gian quy định chu kỳ tính giá 15 ngày để cho giá xăng dầu sát và gần thị trường hơn.
“Trước mắt có thể quay lại chu kỳ tính giá 5 ngày, khi có đủ điều kiện chín muồi, có thể điều chỉnh giá hàng ngày để bám sát giá thị trường thế giới. Vì hiện nay, có thời điểm giá xăng dầu thế giới giảm nhưng trong nước lại tăng, người tiêu dùng không thể biết chu kỳ tính giá cơ sở”, ông Thỏa đề xuất.
Tăng thuế môi trường với xăng dầu là không khoan thư sức dân