Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cần duy trì tiêu chuẩn đáp ứng
VOV.VN - Các vườn trồng và cơ sở đóng gói phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của phía Trung Quốc không chỉ trong kiểm tra ban đầu mà cần phải duy trì lâu dài.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, trong tổng số 126 mã số vùng trồng và 44 mã số cơ sở đóng gói do cơ quan chức năng Việt Nam đề xuất, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng, đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư và được chấp thuận để sản phẩm sầu riêng từ các cơ sở này xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Phóng viên VOV phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật về vấn đề này.
PV: Thưa bà, vừa qua chúng ta đã được phía Trung Quốc chấp thuận 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng để xuất khẩu sang nước bạn, điều nay mở ra những cơ hội gì trong việc xuất khẩu loại trái cây này sang thị trường Trung Quốc thời gian tới?
Bà Nguyễn Thị Thu Hương: Cánh cửa này rộng hay hẹp phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên chính là bản thân các vườn trồng và cơ sở đóng gói phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của phía Trung Quốc. Không phải chỉ trong kiểm tra ban đầu mà chúng ta cần phải duy trì tình trạng đáp ứng đó.
Đối với cơ quan quản lý địa phương cũng phải tiếp tục bám sát và đồng hành với vùng trồng và cơ sở đóng gói, để làm sao hướng dẫn nông dân giải quyết những vấn đề phát sinh, đồng thời tuân thủ những hướng dẫn quy định mới nhất của phía Trung Quốc liên quan đến sầu riêng nếu có.
Ngoài ra, quy định mới nhất đối với sầu riêng trong Nghị định thư lần này, đó là họ yêu cầu tại vùng trồng hay nhà đóng gói là phải có ít nhất 1 cán bộ kỹ thuật được Cục Bảo vệ thực vật hoặc là cơ quan được Cục Bảo vệ thực vật ủy quyền đào tạo tập huấn. Chính vì thế, những đơn vị này chúng tôi đã có thông tin danh sách và sẽ tập huấn và thông tin thường xuyên cho những đối tượng này.
PV: Để mở rộng hơn các vùng trồng cũng như số lượng các cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sầu riêng, Cục Bảo vệ thực vật sẽ hỗ trợ các địa phương trong thời gian tới như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Hương: Trước mắt, Cục bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục hướng dẫn những cái đơn vị chưa đạt lần này tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để gửi sang phía Trung Quốc.
Đối với những hồ sơ mới, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với Chi cục bảo vệ thực vật các địa phương sẽ hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói để có thể thiết lập được những điều kiện cụ thể theo yêu cầu phía Trung Quốc.
Để duy trì bền vững, Cục sẽ rà soát lại năng lực của vườn trồng thường xuyên không phải chỉ theo yêu cầu của phía Trung Quốc mà chúng ta tự rà soát năng lực giám sát hàng năm để đảm bảo rằng các cơ sở đóng gói và vườn trồng sẽ luôn đáp ứng yêu cầu phía Trung Quốc.
PV: Cục Bảo vệ thực vật lưu ý như thế nào đối với các doanh nghiệp cũng như các cơ sở đóng gói, đặc biệt là các địa phương cần làm gì để đảm bảo các yêu cầu của phía Trung Quốc cũng như tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Hương: Về phía Trung Quốc họ chỉ ra rằng, đối với những vùng trồng và cơ sở đóng gói còn trồng xen canh, sẽ dẫn đến việc chưa kiểm soát được việc lây nhiễm chéo các sinh vật gây hại của các cây trồng khác nhau. Ví dụ như ngô, ổi, cà phê trồng xen lẫn nhau.
Đối với việc giám sát sinh vật gây hại, từ trước đến nay vườn trồng vẫn chưa chú trọng nhiều nên nhiều khi việc giám sát sinh vật gây hại cũng chưa đúng theo quy định, đặc biệt là đối với ruồi đục quả. Phía Trung Quốc cũng khuyến nghị là một số vườn trồng cũng chưa thực sự quan tâm đến giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đối với cơ sở gói, Trung Quốc cũng lưu ý nhiều đến quy trình tránh lây nhiễm chéo. Ví dụ sau khi rửa sầu riêng nước thải cũng phải được xử lý.
Trong thời gian tới. Cục sẽ triển khai các biện pháp đồng bộ thống nhất như hoàn thiện bộ hướng dẫn và 2 khóa đào tạo trực tuyến cho người trồng và cơ sở đóng gói. Ngoài ra sẽ có xây dựng các clip tuyên truyền, tờ rơi tuyên truyền.
Bên cạnh đó, sẽ thường xuyên cùng với cơ quan quản lý địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát ở mỗi vùng trồng và đặc biệt là cán bộ bảo vệ thực vật tại vùng trồng và cán bộ kỹ thuật ở cơ sở đóng gói để có thể nâng cao tay nghề những cán bộ này. Họ sẽ là lực lượng nòng cốt để giúp Cục Bảo vệ thực vật giám sát cũng như thiết lập mã vùng trồng, đảm bảo tiêu chuẩn yêu cầu của phía Trung Quốc.
PV: Xin cảm ơn bà!./.