Xuất khẩu vào Hàn Quốc: Không để “con sâu làm rầu nồi canh”
VOV.VN - Chỉ cần 1 lô hàng xuất khẩu có chất lượng kém sẽ tạo ấn tượng không tốt cho các đối tác nhập khẩu phía Hàn Quốc, điều này không chỉ tác động đến 1 mặt hàng cụ thể mà còn ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác.
Nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiếp cận những thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của thị trường Hàn Quốc đối với một số sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm..., những xu thế và triển vọng của thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ngày 29/3, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc) đã tổ chức cuộc tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự kiện là dịp tư vấn, giải đáp các vấn đề DN quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm... với thị trường Hàn Quốc như yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu..., góp phần hỗ trợ các DN Việt Nam phục hồi sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm… sang thị trường Hàn Quốc.
Khẳng định Hàn Quốc là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho rằng, những năm qua mặt hàng xuất khẩu của Hưng Yên sang Hàn Quốc mới chủ yếu là hàng dệt may và linh kiện điện tử. Trong khi đó, nông, thuỷ sản, thực phẩm đang là sản phẩm thế mạnh của Hưng Yên. Hiện, nông sản của Hưng Yên chủ yếu là nhãn với diện tích trên 4.000 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm, hầu hết trồng theo quy trình VietGAP đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
“Năm 2021 Hưng Yên đã xuất khẩu 5,1 tỷ USD, trong đó có xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh nhãn, Hưng Yên còn có vải với sản lượng trên 10.000 tấn/năm; nghệ tươi khoảng 3.000-4.000 tấn/năm; chuối khoảng 66.000 tấn/năm… Đây là các mặt hàng tiềm năng mong muốn thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc”, bà Hạnh nêu ý kiến.
Là DN có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty Good Farmers cho biết, thị trường Hàn Quốc rất khắt khe trong kiểm tra dư lượng hoá chất. Đặc biệt với thuỷ hải sản, Hàn Quốc đề cao tiêu chuẩn vi sinh, kháng sinh. Vì vậy, hầu hết DN Việt Nam khi xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc đều sẽ bối rối trong vấn đề đáp ứng các quy định này từ Hàn Quốc.
Ông Thảo cũng nhắc tới việc “con sâu làm rầu nồi canh” khi có một số DN xuất khẩu nhãn Hưng Yên sang Hàn Quốc với chất lượng kém với khoảng 4-5 lô hàng. Khi sang thị trường Hàn Quốc tạo ấn tượng cảm quan nhãn Hưng Yên là hàng kém chất lượng, tạo ấn tượng xấu nên khi DN khác nhập khẩu nhãn chất lượng tốt cũng bị ảnh hưởng.
Chính vì thế, ông Thảo đề xuất cơ quan quản lý nhà nước, điển hình là Bộ Công Thương có biện pháp kiểm tra, kiểm soát kỹ lưỡng với những DN xuất khẩu hàng kém chất lượng, bởi động thái này không chỉ gây ảnh hưởng đến một mặt hàng cụ thể mà còn ảnh hưởng đến nhiều DN xuất khẩu nhóm hàng tương tự.
“Để tiếp cận thị trường Hàn Quốc, các DN nên tích cực tham gia hội chợ tại Hàn Quốc. Cùng với đó, các địa phương trong nước cũng cần tích cực tổ chức các hội chợ mời DN Hàn Quốc hoặc các DN đang phân phối hàng Việt Nam tại Hàn Quốc tham dự”, ông Thảo đề xuất.
Nhấn mạnh vào xu hướng tiêu dùng của Hàn Quốc hiện nay là bữa ăn gia đình, ông Phạm Khắc Tuyên, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc chia sẻ, nhu cầu nhập khẩu nông, thuỷ sản, thực phẩm chế biến của Hàn Quốc từ thế giới hiện khá lớn.
“Thực phẩm ăn liền hay thực phẩm dễ nấu, dễ ăn... có tăng trưởng đáng kể tại Hàn Quốc trong vòng 10 năm trở lại đây. Đây đang là xu hướng chính, đặc biệt khi dịch Covid-19 xuất hiện người dân hạn chế ra ngoài tụ tập. Tuy nhiên, tất cả sản phẩm phải tốt cho sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng. Tỷ lệ dân số già hoá tại Hàn Quốc đang rất nhanh dẫn tới thực phẩm dành cho người già cũng là thị trường lớn, thị trường tương lai cần nghiên cứu”, ông Tuyên gợi mở.
Từ hiểu biết về thực tế thị trường cũng như nhu cầu nhập khẩu và các tiêu chuẩn riêng của Hàn Quốc, ông Tuyên lưu ý các DN cần quan tâm đến tiêu chuẩn sử dụng chất bảo quản; không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại nơi chế biến… bởi đây là các vấn đề cần hết sức lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc thời gian tới.
“Để có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc, sản phẩm phải đảm bảo yếu tố chất lượng, hương vị; có sự ổn định trong sản xuất, chế biến, lưu thông; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn trong khâu chế biến, lưu thông. Điểm đặc biệt nhấn mạnh là chữ tín trong cam kết khi các DN Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam làm việc với nhau. Khi có chữ tín, DN Việt Nam sẽ có cơ hội đàm phán thuận lợi, giữ được đơn hàng dài lâu”, ông Tuyên lưu ý.
Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam với số vốn đầu tư lũy kế tính đến hết tháng 2/2022 đạt hơn 75 tỷ USD. Hàn Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là trọng tâm trong chính sách hướng nam của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN khi kim ngạch thương mại của hai nước chiếm hơn 40% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc với ASEAN.
Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đạt 78,1 tỷ USD, tăng 18,33% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 21,9 tỷ USD, tăng 14,9% và kim ngạch nhập khẩu đạt 56,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Hàn Quốc đạt 13,8 tỷ USD, tăng 19,03% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 15,7% và nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 10,1 tỷ USD, tăng 20,3%./.