Thịnh suy cây ca cao trong vườn dừa ở Bến Tre
VOV.VN - Trong khi nhiều loại cây khác đang “lên ngôi”, nhiều hộ nông dân ở Bến Tre đã mạnh dạn phá bỏ cây ca cao làm cho diện tích loại cây này bị thu hẹp.
Mô hình trồng cây ca cao xen vườn dừa ở tỉnh Bến Tre đã có thời điểm phát triển mạnh, giúp nhà vườn tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên gần đây, đầu ra hạt ca cao bấp bênh, vườn cây bị sâu bọ phá hoại nên năng suất giảm.
Cây ca cao tỉnh BếnTre kém năng suất |
Ông Đinh Hoàng Oanh cũng như nhiều nhà vườn ở ấp An Thới B, xã An Khánh, huyện Châu Thành đã phá bỏ vườn ca cao. Ông cho biết, lúc đầu trồng cây cao cao có thêm thu nhập cao. Gần đây, cây này kém năng suất và bị con sóc tấn công nên hiệu quả thấp. Khu vườn 5 công của ông chỉ còn để vài cây ca cao làm "kỉ niệm".
"Cây ca cao rậm rạp, trồng với cây dừa nên nó không được tốt. Rễ cây cacao cũng ảnh hưởng đến rễ dừa," ông Oanh cho hay.
Bến Tre là địa phương có diện tích cây ca cao xen vườn dừa nhiều nhất vùng ĐBSCL. Từ năm 2004, địa phương bắt đầu thực hiện "Dự án trồng 10 ngàn héc ta cây ca cao". Qua đó, đã có khoảng 8.000 ha cây cao cao được trồng. Trong khuôn khổ dự án này, Bến Tre kết hợp 4 doanh thành lập hệ thống phát triển sản xuất ca cao.
Lợi nhuận từ vườn dừa khi trồng xen cây ca cao có thêm tới 50 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên vài năm gần đây, ca cao bị sóc tấn công, rồi bệnh đốm trắng, tình hình hạn mặn làm cháy lá và chết khô; kết hợp với đầu ra hạt ca cao không ổn định nên nhà vườn không tha thiết với loại cây này. Từ 8.000 ha cây ca cao đến nay, địa phương này còn chỉ hơn 1.000ha. Tại huyện Châu Thành, nơi có diện tích trồng cây ca cao lớn nhất tỉnh, nhưng đến nay chỉ còn vài trăm ha.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: "Ca cao thì hiệu quả kinh tế không cao, không có lợi nhuận nhiều bằng cây bưởi da xanh. Mình chủ yếu vận động, thuyết phục thôi chứ hiệu quả kinh tế là quyết định mọi vấn đề. Người ta thấy đầu tư không hiệu quả nên cũng khó".
Bà Nga cũng cho biết, trước đây, cũng có mấy doanh nghiệp về xã An Khánh - nơi có cây ca cao nhiều - để làm các mô hình du lịch kết hợp với trồng ca cao xen vườn dừa, kết hợp đan len, làm sô cô la… Cuối cùng, khảo sát không thành, các dự án không phát huy hiệu quả.
Trái ca cao hay bị sâu bệnh |
Gần đây, nhiều loại cây trồng khác ở tỉnh Bến Tre như: bưởi da xanh, mận, chôm chôm, mít, chanh... đầu ra thuận lợi, cho thu nhập cao. Riêng cây dừa xiêm và dừa khô đều có giá cao nên dù đứng một mình cũng có hiệu quả. Do đó, ca cao giảm giá trị là cây "cộng hưởng" với cây dừa.
Tuy nhiên, các ngành chuyên môn địa phương cho rằng, trước bối cảnh hội nhập với nền kinh tế thế giới thì cao cao vẫn có triển vọng nên khuyến khích nhà vườn cố gắng duy trì diện tích này.
Theo bà Phan Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, mô hình ca cao xen vườn dừa là hợp lý. Hiện nay, chất lượng trái ca cao ở Bến Tre được chứng nhận trên Thế giới. Đồng thời, vừa qua có một có tổ chức đã tham gia với các Tổ hợp tác ca cao.
"Trên nền tảng đó thì tập trung nhóm giải pháp là phải có doanh nghiệp đồng hành. Đề nghị bà con tăng cường các giải pháp, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, đầu tư, thâm canh hợp lý vườn ca cao; kèm theo đó doanh nghiệp phải đồng hành và chia sẻ lợi nhuận với bà con nông dân," bà Sương nói.
Cây cao cao ở xứ dừa bị giảm dần diện tích là do yếu tố khách quan. Muốn "níu kéo", phục hồi lại diện tích cây này, thiết nghĩ các ngành chức năng và chính quyền địa phương phải có giải pháp thật căn cơ, có sự liên kết thật chặt chẽ với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra ổn định, đảm bảo cho nhà vườn có lợi nhuận.
Trong khâu liên kết, các bên cần rút kinh nghiệm từ các dự án trồng cây ca cao trước đây đã có biểu hiện "đánh trống bỏ dùi", người dân tự định đoạt "số mệnh" của vườn ca cao.
Tại Bến Tre đã có nhiều tập đoàn lớn tìm đến đặt trạm thu mua hạt để xuất khẩu hạt ca cao như: Masterfoods, Cargill (Mỹ), Mitsubishi (Nhật), Grand Place (Pháp), Armajaro (Malaysia).../.