Thoái vốn đầu tư ngoài ngành cần lộ trình quyết liệt
Thoái vốn phải có lộ trình để không gây khó khăn cho doanh nghiệp thoái vốn và doanh nghiệp nhận đầu tư.
- Thoái vốn đầu tư ngoài ngoài ngành tại các tập đoàn: Không dễ
- Các tập đoàn kinh tế đầu tư ngoài ngành: Lỗ nhiều hơn lãi
Thực trạng thất thoát vốn, thua lỗ do đầu tư dàn trải, ngoài ngành của nhiều doanh nghiệp Nhà nước càng cho thấy, mệnh lệnh thoái vốn đầu từ ngoài ngành kinh doanh chính của các doanh nghiệp phải được thực hiện quyết liệt, càng sớm càng tốt, nếu không muốn thấy vốn liếng của Nhà nước tiếp tục bị phung phí trong khi cả xã hội phải chắt chiu, thắt lưng buộc bụng để có tiền đầu tư phát triển.
Tuy vậy, để làm tốt việc thoái vốn, cũng như để thực hiện có hiệu quả tiến trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, cần phải hình dung và giải quyết được những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
Ai cũng biết việc nhanh chóng rút vốn Nhà nước khỏi các ngành, lĩnh vực kinh doanh không phải là nhiệm vụ chính hoặc lĩnh vực sở trường của các doanh nghiệp Nhà nước là cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, để làm được và làm có hiệu quả lại không phải là điều đơn giản.
Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Trần Xuân Giá cho rằng: “Đầu tư dàn trải là một sai lầm và đã đến lúc chúng ta phải sửa sai lầm ấy”. Tuy vậy, sẽ có hàng loạt bài toán khó giải như: Xử lý nợ nần của các doanh nghiệp ra sao? Phân chia nợ phải gánh như thế nào, ai chịu?… Điều này cũng phản ánh những trăn trở của các nhà quản lý và của cả các doanh nghiệp đã “trót’ đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính của mình.
Ông Trần Xuân Giá nêu vấn đề: “Một câu hỏi đặt ra là kinh tế Nhà nước cần có mặt ở tất cả các lĩnh vực hay chỉ là ở những lĩnh vực mà gần đây hay nói là then chốt. Nhưng thế nào là then chốt? Câu hỏi đặt ra là dệt may có then chốt, xây dựng có then chốt không… Theo ý kiến cá nhân của tôi là kinh tế nhà nước chỉ nên có mặt ở những liĩn vực liên quan đến quốc phòng an ninh, các ngành cung cấp các hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế… Đó là những lĩnh vực thiết yếu vừa là khu vực tư nhân không muốn và không thể làm”.
Hiện nay, Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư, thì có đến 1.300 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; còn hàng ngàn doanh nghệp khác mà Nhà nước nắm đến 57% cổ phần. Như vậy, Nhà nước là một nhà đầu tư lớn nhất, hoạt động trong hầu hết các ngành kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc cần phải khu biệt những lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước được tham gia để khẳng định vị trí đầu tàu, then chốt của khối doanh nghiệp này trong nền kinh tế.
Mặt khác, trong kinh doanh, bất kể một sự xáo trộn nào cũng gây khó khăn trong công tác quản trị của doanh nghiệp. Và cái khó nhất khi các DNNN thực hiện thoái vốn chính là phía nhận đầu tư chứ không phải thuộc về bên thoái vốn. Việc rút vốn nhà nước ồ ạt chắc chắn sẽ khiến hoạt đọng của các doanh nghiệp bị rút vốn rơi vào xáo trộn, thậm chí đổ vỡ.
Một vướng mắc nữa được các chuyên gia tài chính đưa ra là chủ nợ ở những doanh nghiệp sáp nhập, giải thể, chia tách… có chấp nhận phương án đưa ra hay không. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chỉ có khoảng 30% vốn tự có, còn lại là đi vay. Đã đi vay thì khi thoái vốn đồng nghĩa với việc thoái cả công nợ. Trong khi đó, các khế ước cho vay của chủ nợ qui định cực kỳ chặt chẽ. Khi chuyển như vậy thì phải được chủ nợ đồng ý và không phải lúc nào người ta cũng đồng ý.
TS Nguyễn Đình Cung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đưa ra 2 cách để thoái vốn. Theo đó, nhà nước sẽ bán cổ phần ra bên ngoài cho những nhà đầu tư khác (có thể là tư nhân hoặc nước ngoài) chứ không phải là bán cho DNNN khác; Và chuyển cổ phần nắm giữ trong các ngân hàng của các DNNN về cho các ngân hàng thương mại của nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Cung lý giải: “Cách này cũng phải tùy thuộc vào từng lĩnh vực, phải xem xét cẩn thận. Ví dụ, những lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, du lịch, những lĩnh vực tư nhân phát triển, sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da, chế biến lương thực, thực phẩm… bán ra ngoài là tốt . Hiện tại, Nhà nước có 5 ngân hàng thương mại, trong khi các tổng công ty, tập đoàn cũng có ngân hàng hoặc có cổ phần trong các ngân hàng, các tập đoàn phải chuyển cổ phần nắm giữ trong các ngân hàng về cho các ngân hàng thương mại của nhà nước”.
Tương tự, đối với ngành bảo hiểm, chứng khoán, những ngành tài chính… cũng chưa nên bán cổ phần ra ngoài thì cũng có thể áp dụng cách thức này để cho các tập đoàn này tách hẳn ra khỏi lĩnh vực tài chính, những ngành chạy theo bong bóng thị trường bất động sản. Việc chuyển đổi này không khó khăn gì cho doanh nghiệp. Ở đây chỉ thay đổi quyền sở hữu vốn, giống như chuyển nhượng cổ phần trên thị trường chứng khoán.
Chia sẻ quan điểm này, TS Trần Du Lịch cho rằng: “Thoái vốn không nên coi là chuyện chuyển từ doanh nghiệp nhà nước này sang doanh nghiệp nhà nước kia. Phần thoái vốn đa số ở những ngành nghề mà Nhà nước không nhất thiết phải làm. Thành ra về nguyên tắc phần thoái vốn là chuyển cho khu vực tư nhân, nhưng chuyển thế nào là có hiệu quả, không thể bán đổ, bán tháo và cũng không vì nhân chuyện thoái vốn để có thể lợi dụng làm lợi ích cho một nhóm nào đó khi nhận nguồn vốn này”.
Ngoài ra, theo ông Trần Xuân Giá, còn một vướng mắc lớn nữa mà quá trình thoái vốn, cổ phần hóa lâu nay vẫn mắc phải, đó là định giá tài sản. “Cái chuyện định giá trong khi bán là một việc quá lớn. Sở dĩ cái khó khăn trong cổ phần hóa của chúng ta hiện nay, có nhiều khó khăn, mà khó khăn nổi lên ai cũng nhìn thấy mà khó xử lý nhất vẫn là định giá tài sản. Việc định giá phải qua đấu thầu một cách công khai để thị trường quyết định. Còn nếu không làm được thì phải do các cơ quan có tiếng và độc lập định giá”.
Về cơ bản, theo ý kiến của các chuyên gia, chúng ta phải chấp nhận để các tập đoàn Nhà nước cắt lỗ để không sa lầy thêm vào những sai lầm đã mắc phải.
Trong quá trình thực hiện việc thoái vốn cũng như cấu trúc lại, cần tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch. Cần có sự giải thích rõ ràng, vận động tích cực, đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên liên quan. Chính phủ cần xây dựng qui chế rõ ràng trong việc thoái vốn để không làm thất thoát tài sản quốc gia.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có văn bản nào như vậy nên doanh nghiệp vẫn lúng túng trong cách làm./.
Như vậy, các doanh nghiệp nhà nước cần phải chấm dứt việc đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính của mình là một mệnh lệnh không thể trì hoãn. Cũng cần nhấn mạnh thêm, sở dĩ nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư quá nhiều ngoài ngành, dẫn đến chúng ta phải tìm biện pháp khắc phục cũng có nguyên nhân từ chính sách. Do vậy, để thực hiện có kết quả lộ trình này thì chính sách phải đi trước một bước. Nếu chính sách chưa có để giải quyết được các khúc mắc, khó khăn như đã đề cập thì rất dễ đẩy tiến trình này vào quanh co, bế tắc. Mặt khác, cả chính sách và việc thực thi các biện pháp thoái vốn cũng phải nhằm mục tiêu hoặc có những biện pháp phòng ngừa nguy cơ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm cản trở, trì níu tiến trình sắp xếp lại các DNNN. Thực tế kiểm điểm hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thời gian qua càng cho thấy phải quyết tâm cơ cấu lại khu vực kinh tế này. Chỉ có như vậy, vai trò chủ đạo, chức năng là công cụ định hướng, dẫn dắt nền kinh tế của DNNN mới phát huy tác dụng. |