Thời điểm xuất khẩu vàng?

Trên các phương tiện truyền thông quốc tế, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo vàng sẽ vượt ngưỡng 1.000usd/oz trong một thời gian ngắn nữa và sẽ còn tăng cao. Liệu điều đó có xảy ra? Liệu bây giờ là thời điểm đầu tư?…

Thị trường vàng đầu năm 2009 có diễn biến lặp lại như những ngày đầu năm 2008, giá vàng thế giới đạt đỉnh 1.005usd/oz và đóng cửa mức 993,2usd/oz  vào tối thứ 6 ngày 20/2/2009. Trên thị trường tự do, đã có hiện tượng người dân xếp hàng đi bán vàng chốt lãi, giá mua vào giữ mức 19,7 triệu đồng/lượng và 19,8 triệu đồng/lượng bán ra.

Sự biến động giá vàng thế giới trong hơn một năm trở lại đây đã làm cho những nhà đầu tư vàng cá nhân trở nên nhạy cảm, họ không còn coi vàng đơn thuần là tài sản cất giữ, có lẽ họ đã trả giá cho những lần mua giá rất cao và không lâu sau giá lại giảm mạnh. Đêm 24/2 và rạng sáng ngày 25/2 khi bắt đầu vào phiên giao dịch tại thị trường Mỹ, vàng đã được bán tháo, giá rơi từ mức 995usd/oz xuống 960usd/oz và mức giá khi đóng cửa phiên giao dịch là 965,5usd. Sáng ngày 25/2, ở trong nước, giá vàng giao dịch trên thị trường bắt đầu giảm, nhưng giá quy đổi vẫn thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 800.000 đồng/lượng (tương đương 45usd/lượng)

Giá vàng thế giới lên cao trên thị trường Mỹ vào đêm thứ 6 tuần trước. Thông thường, trong hai ngày nghỉ cuối tuần, các công ty và sàn giao dịch vàng đóng cửa, hoạt động kinh doanh vàng chỉ còn trên thị trường tự do, người dân dễ bị ép giá mua vào và nếu có mua thì cũng sẽ phải mua giá rất cao. Và thậm chí, sang tuần mới giá vàng thế giới sụt giảm mạnh, nhưng giá trong nước biến động không đáng kể.

Biên độ mua vào bán ra trong các ngày 21, 22, 24, 25/2/2009 chênh lệch không lớn, khoảng trên dưới 100.000 đồng/lượng. Điều này chứng tỏ các công ty kinh doanh vàng, những cửa hàng vàng đang có nhu cầu mua vào.

Vì sao lại có hiện tượng đó?

Trong những ngày gần đây, giá vàng thế giới bị đẩy lên cao với lý do các gói kích thích kinh tế của Chính phủ các nước đặc biệt là Mỹ đã khiến nhiều người nghĩ rằng, sẽ có một số lượng lớn tiền mặt được bơm vào nền kinh tế, và nguy cơ lạm phát có khả năng quay trở lại. Khi đó, vàng được ví như “căn hầm trú ẩn” an toàn khi xảy ra lạm phát sẽ tăng giá. Trên các phương tiện truyền thông quốc tế, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo vàng sẽ vượt ngưỡng 1.000usd/oz trong một thời gian ngắn nữa và sẽ còn tăng cao.

Liệu điều đó có xảy ra? Liệu bây giờ là thời điểm đầu tư? Liệu mọi người có lạc quan quá khi cho rằng kinh tế thế giới sẽ sớm hồi phục và dẫn tới lạm phát để đẩy giá vàng tăng cao? Liệu hiểu đơn giản là Chính phủ các nước bơm tiền vào nền kinh tế sẽ dẫn đến lạm phát, trong khi người dân các nước đang phải thắt chặt chi tiêu, làm giảm sức cầu? Và đêm qua 24/2, khi ngài Chủ tịch Fed Ben Bernanke điều trần trước quốc hội rằng kinh tế sẽ khôi phục nhanh chóng trong vòng 2 đến 3 năm, điều này đã làm cho vàng bị bán tháo?

Lượng vàng của Việt Nam hiện là bao nhiêu? Theo một vài chuyên gia thì lượng vàng miếng tiêu thụ tại Việt Nam trong vòng 15 năm qua là 600 tấn và lượng vàng nữ trang khoảng 250 tấn. Con số đó chưa tính hết được lượng vàng từ xưa để lại.

Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế hướng xuất khẩu. Với việc suy thoái kinh tế thế giới, việc xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn và Việt Nam đang tìm cách tháo gỡ để khôi phục và đẩy mạnh xuất khẩu. Những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dầu thô, dệt may, hàng nông thủy sản… hiện đang đối mặt với những khó khăn. Để đối phó với khủng hoảng kinh tế, Việt Nam đã và đang từng bước thực hiện các giải pháp kích cầu sản xuất, cầu tiêu dùng nhằm thoát khỏi sự trì trệ của nền kinh tế. và với sự tích cực của Chính phủ, vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam đã được nối lại. Điều đó gửi đi một thông điệp rằng chúng ta đang tận dụng mọi nguồn lực trong nước cũng như quốc tế để hạn chế sự tác động của suy thoái kinh tế thế giới.

Có cách nào để tăng xuất khẩu, thu hút ngoại tệ cho đất nước trong bối cảnh các mặt hàng xuất khẩu truyền thống bị sụt giảm? Có lẽ trong những tình huống đặc biệt, cần có các giải pháp đặc biệt và vàng với chức năng tiền tệ quốc tế, nhưng lại đang được tích trữ với số lượng lớn ở Việt Nam. Vậy nên đây là lúc chúng ta có thể phải xuất khẩu để thu ngoại tệ, nhằm mục đích cân bằng cán cân thanh toán, ổn định tài chính.

Trả lời báo Sài Gòn tiếp thị ngày 23/2/2009, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ ngoại hối cho biết, Ngân hàng Nhà nước vẫn cấp quota cho một số doanh nghiệp được xuất khẩu vàng. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang theo dõi rất sát biến động giá vàng thế giới, và khi giá vàng đang ở ngưỡng rất cao thì chính là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu một phần.

Khi giá vàng thế giới tăng cao, giá vàng của Việt Nam luôn thấp hơn giá vàng thế giới từ 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng/lượng thì đây là một cơ hội khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vàng.

Việc xuất khẩu vàng sẽ đạt được nhiều mục đích: trước tiên là thu về một lượng ngoại tệ không nhỏ cho đất nước để giải quyết các vấn đề cấp bách và ngược lại, người dân bán vàng cũng thu được một khoản lãi lớn và hy vọng họ sẽ tăng cường chi tiêu cá nhân cùng tham gia kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất.

Những điều này đã có thể giải thích cho sự giữ giá của vàng trong nước khi người dân ồ ạt đem vàng đi bán, thậm chí khi vàng thế giới giảm mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên