Thống đốc: Không dùng tiền ngân sách mua nợ xấu
VOV.VN -Nếu VAMC không mua nợ và không cơ cấu lại nợ cho các TCTD theo các cơ chế mà NHNN đã ban hành thì nợ xấu đã tăng thêm 10%.
Sáng nay (1/11), Thống đốc Nguyễn Văn Bình báo cáo trước Quốc hội về nợ xấu và hoạt động của VAMC. Thống đốc cho biết: Chúng tôi xác định trước tiên phát huy nội lực của hệ thống các TCTD. Vì trong hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế, sự eo hẹp của ngân sách, chúng ta không thể làm theo các giải pháp mà các nước đang sử dụng.
Thống đốc cho hay: Thời gian qua, nợ xấu chủ yếu được xử lý chủ yếu thông qua các hình thức sau đây:
Thứ nhất, NHNN cho phép các TCTD có cơ chế mới trong cơ cấu lại các khoản nợ. Đến nay tổng số nợ mà các TCTD đã cơ cấu lại cho các khách hàng vay đã lên tới trên 300.000 tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng dư nợ, trong số này có tới trên 60% khoản nợ nếu không cơ cấu lại sẽ trở thành nợ xấu. Hay nói cách khác nếu không cơ cấu lại nợ cho các TCTD theo các cơ chế mà NHNN đã ban hành thì nợ xấu đã tăng thêm 6%.
Thứ hai, xử lý nợ thông qua trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro. Trong năm 2012 toàn hệ thống NH trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro khoảng 70.000 tỷ. Trong 9 tháng qua đã trích lập và xử lý thêm 32.000 tỷ nữa. Dự kiến năm nay sẽ trích lập bằng nguồn này 70.000 tỷ nữa. Như vậy, nếu căn cứ vào các con số mà chúng ta đã tiến hành, đã xử lý nợ xấu trong năm 2012 và 9 tháng 2013 là xấp xỉ 100.000 tỷ, chiếm hơn 3% tổng dư nợ của hệ thống NH.
“Từ khi bắt tay vào mua nợ xấu, VAMC đã mua được 10.000 tỷ nợ xấu. Như vậy, cộng lại tất cả những con số mà chúng ta đã triển khai có thể thấy rằng nếu không triển khai các giải pháp nêu trên thì nợ xấu tăng thêm khoảng 10%. Điều đó thể hiện kết quả tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu” – Thống đốc khẳng định.
Tuy nhiên, theo Thống đốc, để xử lý nợ xấu tốt hơn phải có giải pháp đồng bộ hơn, đặc biệt, nếu chúng ta giải quyết được nợ đọng xây dựng cơ bản thì sẽ giải quyết được cỡ khoảng hơn 3% nợ xấu nữa. Ngoài ra, phải có giải pháp tổng thể để tăng tổng cầu nền kinh tế, góp phần khởi sắc nền kinh tế, góp phần giải quyết căn bản nợ xấu.
Thời gian tới, NHNN sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, ngành sản xuất để có giải pháp tháo gỡ. Ví dụ tháng 11 phối hợp Bộ Xây dựng và một số DN trong lĩnh vực xây dựng để có được sản phẩm liên kết 4 nhà, đảm bảo việc mua sắm vật liệu xây dựng thông thoáng hơn, góp phần giải quyết tồn kho, ứ đọng vật liệu xây dựng.
Báo cáo thêm về VAMC, Thống đốc dẫn chứng: Các nước cũng có công ty tương tự, nhưng do mỗi nước có hoàn cảnh khác nhau thì người ta sử dụng lượng tiền lớn ngân sách để mua lại nợ của các TCTD. Nước ta còn nhiều khó khăn nên không thể dập khuôn kinh nghiệm của nước bạn mà phải có cơ chế, chính sách phù hợp thực tế, hoàn cảnh của Việt Nam.
Việc mua bán nợ của VAMC không dùng tiền ngân sách. Với hoạt động trực tiếp của VAMC, các DN cũng có điều kiện thuận lợi hơn. Các khoản nợ VAMC mua lại đều không tính vào nợ xấu của DN. Nên DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn mới của các TCTD.
Các khoản nợ này sau khi VAMC mua lại sẽ tiến hành cơ cấu lại, kể cả về lãi suất cũng được đưa về mặt bằng hiện nay; cơ cấu tính chất nguồn vốn (trước đây nhiều DN sử dụng vốn ngắn hạn để vay trung và dài hạn thì hay sẽ cơ cấu lại tính chất nguồn vốn; cơ cấu lại thời hạn cho vay đảm bảo khả năng chịu đựng và khả năng tổ chức sản xuất của DN.
Theo phân tích của Thống đốc, các TCTD cũng có nhiều thuận lợi. Trước đây, một lượng vốn lớn nằm đọng trong khoản nợ xấu này, đến nay, bằng việc mua nợ xấu qua phát hành trái phiếu đặc biệt, các NH có thể triết khấu tại NHNN để có thể thu được tối đa 70% giá trị khoản nợ để có thêm nguồn vốn phát triển sản xuất.
Về vĩ mô, qui mô hoạt động của VAMC trong năm nay sẽ phấn đấu mua 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong cả năm 2014 con số này có thể lên đến 100-150 nghìn tỷ đồng.
Khi có thị trường mua bán nợ xấu tập trung thì sẽ tạo ra hoạt động thị trường tốt hơn.. các khoản mua nợ đã được cơ cấu lại và thông qua các cơ quan của Nhà nước nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để trên cơ sở đó tạo thị trường mua bán nợ tập trung cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
“Hiện nay, có không ít nhà đầu tư trong nước và quốc tế rất quan tâm đến việc mua các khoản nợ này. Chúng tôi cho rằng, chúng cần có cơ chế chặt chẽ, vừa có thể xử lý các khoản nợ nhưng cũng đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các nhà đầu tư trong nước và phát triển nền kinh tế đất nước” – Thống đốc lưu ý./.