Thống đốc: Nợ xấu chưa nguy kịch, nhưng đã báo động!

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, so với nhiều nước khác, mức nợ xấu của Việt Nam từ 8,6-10% vẫn chưa đến mức phải hốt hoảng, nhưng cần phải xử lý ngay.

Dư luận gần đây đặc biệt lo lắng về việc, những năm gần đây, NHNN có báo cáo một số cơ quan chức năng rằng nợ xấu của các tổ chức tín dụng khoảng 3%, luôn trong mức an toàn. Nhưng gần đây lại có báo cáo của các ngân hàng thương mại cho rằng nợ xấu lên tới 4,47%, với số tiền lên tới khoảng 117.000 tỷ đồng, còn qua giám sát và báo cáo của NHNN thì nợ xấu lên tới 8,6%, tương đương số tiền 202.000 tỷ đồng, gần gấp 2 lần so với báo của các tổ chức tín dụng. Chiều 21/8, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề này và đưa ra những giải pháp để giải quyết nợ xấu.

Nhiều con số do khác tiêu chí 

Liên quan đến sự khác biệt giữa số liệu về nợ xấu trong báo cáo của NHNN với báo cáo của các TCTD, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích nguyên nhân là do trước đây Việt Nam chưa hội nhập kinh tế quốc tế, các tổ chức xếp hạng quốc tế chưa vào Việt Nam thì chưa có số liệu thứ 3 là đánh giá của các tổ chức quốc tế. Nhưng trong nội bộ của nước ta, đã luôn luôn hình thành 2 số liệu. Một là, số liệu do các tổ chức tín dụng báo cáo theo các quy định của NHNN. Hai là, số liệu do chính NHNN đánh giá về nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Về thực tế các con số nợ xấu, Thống đốc khẳng định, không phải ngày hôm nay mới phát sinh mà nó đã phát sinh trong suốt quá trình hoạt động của ngân hàng nhà nước từ trước tới nay. “Chỉ có điều, bây giờ chúng ta công khai các con số đó. Và, 30 năm qua đều có 2 số liệu như vậy”- Thống đốc nhấn mạnh.

Sở dĩ có các con số khác nhau như vậy là do từ năm 2005 đến nay, NHNN ban hành Quyết định 493 quy định về việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng. Theo đó, nợ của các tổ chức tín dụng được phân thành 5 nhóm. Nhóm 1 được gọi là tốt, Nhóm 2 là các khoản cho vay có vấn đề, Nhóm 3-5 là nợ xấu.

Trong tiêu chí phân chia nợ thành 5 nhóm, cũng có rất nhiều yếu tố định lượng và định tính. Ví dụ, nợ trả bình thường và có nợ quá hạn không quá 10 ngày được xếp vào nhóm 1. Nhưng khi nợ quá hạn 10 ngày đến 90 ngày thì xếp vào nhóm 2; từ 90-180 ngày thì xếp vào nhóm 3; từ 180-360 ngày được xếp nhóm 4; trên 360 ngày xếp vào nhóm 5. Đây là các nội dung định lượng rất rõ ràng.

Bên cạnh đó, có các tiêu chí mang tính chất định tính. Ví dụ, một khoản nợ đang ở nhóm 1, nhưng các tổ chức tín dụng đánh giá các tình hình sản xuất kinh doanh, môi trường kinh doanh, các cú sốc trong nền kinh tế trong nước và thế giới… mà xét thấy khả năng trả nợ của tổ chức tín dụng không đảm bảo thì mặc dù nợ chưa quá hạn nhưng tổ chức tín dụng cũng có quyền đưa khoản nợ đó vào các nhóm cao hơn….

Vì vậy, Thống đốc khẳng định: Các yếu tố định tính này phụ thuộc rất nhiều vào người đánh giá. Và, do những yếu tố định lượng và định tính nêu trên, nên dẫn đến có thể các tổ chức khác nhau đánh giá nợ của một tổ chức tín dụng có kết quả khác nhau. Đó là các yếu tố khách quan.

Còn về yếu tố chủ quan, theo Thống đốc, do ý thức của người phân nhóm nợ nên “đôi khi vì mục tiêu lợi nhuận của mình, tổ chức tín dụng không muốn xếp loại nợ vào nhóm cao hơn, cố gắng tìm mọi cách che giấu khoản nợ đó, để có thể xếp các khoản nợ đó xuống nhóm thấp hơn. Nhưng cũng có lý do tổ chức tín dụng vin vào việc do không nắm được thông tin về các khoản nợ ở các tổ chức tín dụng khác nên không biết để đưa lên các nhóm nợ cao hơn”.

Thực trạng này, trong nhiều năm qua, NHNN đều biết, đặc biệt là khi NHNN cử các đoàn thanh tra trực tiếp xuống các tổ chức tín dụng thì thấy mức độ chênh lệch rất rõ ràng giữa các con số báo cáo và thực tế.

Thống đốc lấy ví dụ, vừa qua khi xử lý 6 tổ chức tín dụng (trong số 9 tổ chức tín dụng đang được thanh tra) thì các tổ chức tín dụng này báo cáo nợ xấu đều không quá 2,5% nhưng NHNN thanh tra trực tiếp thì có những tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu lên trên 30%, đặc biệt là có tổ chức tín dụng lên tới 60%, thậm chí có tổ chức không có lãi, mất cả vốn tự có lẫn vốn điều lệ.

Cho nên, Thống đốc khẳng định: “NHNN không thể chỉ căn cứ vào báo cáo của các tổ chức tín dụng để điều hành hệ thống ngân hàng mà phải trực tiếp có các biện pháp giám sát từ xa, thanh tra trực tiếp tại chỗ để đánh giá thực chất nợ xấu của TCTD. Số liệu về nợ xấu do NHNN công bố là căn cứ tin cậy nhất, khoa học nhất. NHNN điều hành trên cơ sở con số đó”.

5 nhóm nguyên nhân của nợ xấu

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến nợ xấu: Chính sách kinh tế vĩ mô; Các chính sách, cơ chế của NHNN; Hoạt động thanh tra, giám sát của NHNN; Trách nhiệm của các tổ chức tín dụng; Trách nhiệm của bản thân các doanh nghiệp vay vốn.

Lý giải cụ thể, Thống đốc cho biết: Về kinh tế vĩ mô, do một thời gian dài, chúng ta theo mô hình phát triển kinh tế theo chiều rộng nên rất cần vốn. Đó là phát triển nhờ vốn. Do đó, tăng trưởng tín dụng rất nhanh trong thời gian qua.
Về cơ chế, chính sách của NHNN, Thống đốc thẳng thắn nhìn nhận: Do nhiều năm qua ít được đổi mới, chưa theo kịp được diễn biến của thị trường. Từ đó không định hướng được các dòng vốn tín dụng.

Trong hoạt động thanh tra giám sát của NHNN nhiều năm qua có những lúc tê liệt, hiệu lực của hoạt động thanh tra giám sát gần như bị bỏ ngỏ. Điều này cũng gây ra những hệ lụy đến ngày nay.

Về trách nhiệm của các TCTD, do Việt Nam cho mở quá nhiều tổ chức tín dụng, nên các TCTD chủ yếu hoạt động tín dụng nên cạnh tranh bằng mọi cách để chiếm lĩnh thị phần để kiếm lợi nhuận. Vì thế, hoạt động thẩm định dự án sơ sài, nên dẫn tới nợ xấu cũng kéo theo.

Còn bản thân các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm do phần lớn tài chính của các DN là yếu kém và khả năng xây dựng dự án kinh doanh hiệu quả còn hạn chế. Việc sử dụng vốn cũng không đúng mục đích.

Tất cả những nguyên nhân trên dẫn đến nợ xấu của hệ thống NH như hiện nay.

Nợ xấu chưa nguy kịch

Thống đốc cho rằng, nợ xấu này là đã tích lũy qua rất nhiều năm. Từ đầu năm đến tháng 6/2012, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH mới xấp xỉ 1%. Trong khi đó, từ năm 2008, nợ xấu tăng rất nhanh. Năm 2008, tốc độ tăng nợ xấu 74%, năm 2009 tăng 57%, năm 2010 tăng 41%, năm 2011 tăng 64%, 6 tháng đầu năm 2012 tăng 47%.

Về giải pháp xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết: Bên cạnh các giải pháp kinh tế vĩ mô với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức độ hợp lý. Đồng thời, kết hợp với việc chuyển hướng phát triển kinh tế từ bề rộng sang chiều sâu. Từ đó, sẽ giải quyết được căn cơ vấn đề nợ xấu.

Về giải pháp cụ thể liên quan đến hệ thống NH, Thống đốc chỉ rõ:

NHNN đã thay đổi căn bản hệ thống văn bản quan trọng của NHNN đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Các văn bản này sẽ được ban hành trong tháng 8 - 9 này và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2013, đặc biệt là các văn bản liên quan đến hoạt động tín dụng.

NHNN đã sắp xếp lại đội ngũ, hệ thống thanh tra của NHNN và bước đầu qua thanh tra 9 NH vừa qua đã cho thấy hiệu quả và khẳng định được vị thế của thanh tra NHNN.

Về biện pháp trước mắt cần xử lý ngay: Một là, phối hợp nhịp nhành giữa chính sách tiền tệ vài tài khóa, đẩy nhanh chi tiêu công giúp giải phóng hàng tồn kho rất lớn.

Hai là, nâng cao giám sát các tổ chức tín dụng, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro của mình, để có nguồn vốn đáng kể giải quyết nợ xấu cho bản thân TCTD.

Thứ ba, phối hợp với chính quyền địa phương, tòa án các cấp để phát mãi các tài sản thế chấp trong hệ thống NH để tạo ra nguồn xử lý nợ xấu.

Thứ tư, khuyến khích các tổ chức tín dụng có tài chính lành mạnh tiến hành mua bán lại nợ của các TCTD khác. Khuyến khích các TCTD đàm phán với các DN để biến nợ thành cổ phần, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.

Về tỷ lệ nợ xấu hiện nay của Việt Nam, Thống đốc cho rằng, nợ xấu hiện nay chưa đến mức hốt hoảng, không phải nguy kịch quá. Bởi theo dẫn chứng của Thống đốc vào thời kỳ khủng hoảng của các nước, năm 1998 – 2000 thì Thái Lan có 47%, Hàn Quốc 17%, Indonesia 50%,… cao hơn Việt Nam nhiều lần.

Còn nợ xấu của Việt Nam 8,6-10% thì cũng thấy rằng, năm 2008 nợ xấu khoảng 10,11%, nhưng lúc đó “xấu thật”. Bởi vì do khi đó chưa có các quy định trích lập dự phòng rủi ro, chưa có thị trường mua bán các loại tài sản này, chưa có hợp đồng thế chấp loại tài sản này….

Thực tế đến nay, các TCTD đã trích lập được 70.000 tỷ để dự phòng rủi ro tín dụng, và 84% nợ xấu đã có tài sản đảm bảo giá trị khoảng 135% giá trị khoản nợ. Do đó, nếu có cơ chế hợp lý có thể xử lý được nợ xấu này với chi phí thấp nhất. Đề án của NHNN sẽ hướng vào điều đó, khi nào Chính phủ cho phép thì Thống đốc sẽ có báo cáo cụ thể./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên