Thông xe cầu vượt ngã tư Vũng Tàu và nhánh cầu Hóa An
VOV.VN - Lễ thông xe cầu vượt ngã tư Vũng Tàu và nhánh cầu Hóa An, tỉnh Đồng Nai đã diễn ra sáng nay (19/1).
Sáng nay (19/1), tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) đã khánh thành và đưa vào sử dụng cầu vượt bằng thép tại ngã tư Vũng Tàu. Đây là một phần của dự án “Đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và hai tuyến đầu cầu ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh thành phố Biên Hòa”.
Thông xe cầu thép ngã tư Vũng Tàu. |
Cầu vượt này được xây dựng theo hình thức BOT, dài 558m, phần đường nút giao có tổng chiều dài là 1,8km; chiều rộng 16m với 4 làn xe, dành cho các xe ô tô chạy hướng thành phố Hồ Chí Minh- Hà Nội và ngược lại; xe máy và các loại xe thô sơ sẽ chạy bên dưới cầu.
Cũng trong sáng nay, một nhánh của cầu Hóa An, cây cầu nằm trên Quốc lộ 1K ở cửa ngõ thành phố Biên Hòa cũng đã được thông xe và đưa vào sử dụng. Cầu nhánh - cầu Hóa An dài hơn 1.000m, rộng 9,5m gồm hai làn xe, giá trị thực hiện là 260 tỷ đồng. Đây là dự án do Tổng công ty Sonadezi làm chủ đầu tư với hình thức BT, tổng vốn xây dựng là 1.174 tỷ đồng.
Lễ thông xe cầu Hóa An |
Việc đồng loạt đưa vào sử dụng cầu vượt bằng thép ở ngã tư Vũng Tàu và một nhánh cầu Hóa An, kết hợp với sự kiện hạng mục sửa chữa và nâng cấp cầu Đồng Nai cũ cũng đã hoàn thành vào 15/1 vừa qua sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại hai điểm trên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai cũng như cửa ngõ phía Bắc thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại lễ thông xe |
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Đây là những công trình góp phần vào việc giải quyết ùn tắc của cửa ngõ phía Bắc của thành phố Hồ Chí Minh, cũng như Đồng Nai và các thành phố lân cận khác như Vũng Tàu, Bình Dương. Tôi cho rằng việc bám sát qui hoạch phê duyệt thì các địa phương này đã làm rất tốt. Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng vẫn đòi hỏi thời gian rất dài, do vậy trong lúc đưa vào khai thác các công trình này thì phải có tổ chức giao thông và tiếp tục xử lý các ùn tắc và các điểm xung đột có thể xảy ra”./.