Thu hút nguồn lực tư nhân phát triển nông nghiệp

(VOV) -Cần hỗ trợ môi trường thuận lợi thúc đẩy đầu tư tư nhân vào chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị các nhà tài trợ với chủ đề “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Phát triển bền vững và giá trị gia tăng” diễn ra sáng 4/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nêu rõ: Quá trình tái cơ cấu đầu tư ngành nông nghiệp sẽ hướng đến 3 trụ cột chính gồm: Phát triển nông thôn – Xã hội – Môi trường.

Theo ông Cao Đức Phát, sản xuất nông nghiệp đã và đang có dấu hiệu gây tác động tiêu cực đến môi trường. Vì vậy, chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm hơn.

Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.

Tại hội nghị, ông Yasuaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đánh giá cao những thành tựu mà ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được. Từ một nước thiếu lương thực đến nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới và góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Đại sứ Nhật Bản cũng nhấn mạnh cộng đồng các nhà tài trợ sẽ luôn “sát cánh” hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tái cơ cấu nông nghiệp.

Theo ông Sugatani Susumu, chuyên gia Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản, tái cơ cấu nông nghiệp cần tính đến những thách thức đối với tăng trưởng của ngành nông nghiệp như đất đai, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Chúng ta cần xem xét những mối đe dọa đến tăng trưởng và có hành động để đối phó. Thực hiện chương trình về dồn điền đổi thửa một cách hiệu quả cũng như tăng cường thực hiện phân vùng, để bảo đảm quỹ đất tốt cho sản xuất nông nghiệp. Linh hoạt trong sản xuất nông nghiệp dựa trên nhu cầu thị trường. Chúng ta cũng cần hỗ trợ môi trường thuận lợi để đầu tư, thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân và chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp” - ông Sugatani Susumu nói.

Các tham luận tập trung thảo luận về các thách thức và giải pháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp bao gồm những thay đổi trong thứ tự đầu tư công; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công, cải cách thể chế; đổi mới doanh nghiệp quốc doanh, chính sách ngắn hạn, hiệu quả để huy động nguồn lực xã hội tham gia quá trình tái cơ cấu ngành.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Chúng ta cần nắm bắt, tìm hiểu xu thế chung toàn thế giới về định hướng chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay, có rất nhiều nước mang tiền đi thuê đất dài hạn ở các quốc gia khác, đầu tư nguồn vốn để ký hợp đồng dài hạn, thậm chí là tiến hành đầu tư vào quỹ tài chính để mua bán dài hạn nông sản. Nông nghiệp đến giai đoạn này phải dựa vững vào công nghiệp và dịch vụ. Chúng tôi nghĩ rằng đề xuất tái cơ cấu ngành nông nghiệp chỉ có thể thành công nếu gắn với đề án tái cơ cấu chung của toàn quốc”./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên