Thu hút vốn đầu tư xã hội cho đường vành đai TP. Hồ Chí Minh
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát quy hoạch, sớm phân cấp và xác định rõ chủ đầu tư để kêu gọi, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư để triển khai đường vành đai 3, 4 khu vực TP. Hồ Chí Minh.
Trong cuộc họp sáng 9/3, cơ quan tư vấn đã trình Báo cáo đầu tư xây dựng đường vành đai 3 và 4 - hai tuyến giao thông được xác định là vành đai đô thị và liên vùng, có vai trò quan trọng trong việc phân luồng từ xa, giảm áp lực giao thông khu vực nội đô và kéo dãn mật độ dân số TP. Hồ Chí Minh.
Đường vành đai 3 có tổng chiều dài 90, 6km, điểm đầu giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và điểm cuối giao với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương, đi qua địa phận 4 tỉnh, thành phố là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Mặt cắt ngang đường 60 m, 10 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, thời gian thực hiện dự án từ 2010 – 2016.
Vành đai 4 có tổng chiều dài 148km, điểm đầu là huyện Trảng Bom (Đồng Nai) và điểm cuối là KCN, cảng Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh). Mặt cắt ngang đường 51 m, 10 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, thời gian thực hiện dự án từ 2010 – 2016.
Khái toán tổng kinh phí đầu tư 2 dự án nói trên lên tới hơn 100.000 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tính thiết yếu của 2 tuyến vành đai lớn của khu vực TP. Hồ Chí Minh, nơi có tốc độ phát triển và nhu cầu hạ tầng lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, với tổng mức đầu tư rất lớn, cơ quan hoạch định cần tính toán phương án triển khai khả thi, hiệu quả, giảm tối đa sự phụ thuộc vào nguồn ngân sách.
Dự án cần thực hiện phân kỳ đầu tư, xác định các đoạn, tuyến có mật độ giao thông cao để ưu tiên làm trước như đoạn nút giao Tân Vạn – Nhơn Trạch, Bến Lức – Hiệp Phước, đoạn nối sân bay Long Thành,… đồng thời sớm phân cấp và xác định chủ đầu tư để các địa phương chủ động thu hút các hình thức đầu tư xã hội phù hợp như BOT, BT, PPP,…
Bộ Giao thông vận tải cũng lưu ý vấn đề liên hoàn và đồng bộ của toàn bộ hệ thống vành đai thành phố, qua đó phải rà soát, xác định thống nhất hướng tuyến, thời gian triển khai, tận dụng các tuyến đường đã có sẵn để giảm bớt khối lượng đầu tư.
Dự kiến cuối tuần này, Chính phủ sẽ nghe và cho ý kiến về các giải pháp đầu tư hạ tầng, giảm ách tắc ở hai thành phố lớn là thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh./.
Nguyên Linh