Thu nhập cho người nhận khoán bảo vệ rừng không đảm bảo

VOV.VN - Diện tích không quá 30 ha/hộ đối với đối tượng khoán bảo vệ rừng đặc dụng là thấp, không đảm bảo thu nhập cho người nhận khoán bảo vệ rừng.

Tại hội nghị đánh giá chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 20/8 ở Hà Nội, các đại biểu nhận định, các chính sách đầu tư trong lâm nghiệp thời gian qua đã thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân tham gia bảo vệ rừng, phát triển rừng qua đó hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Tuy nhiên cần tháo gỡ khó khăn về định mức đầu tư phát triển rừng đặc dụng, bổ sung nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành lâm nghiệp trong bối cảnh mới.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, nguồn lực đầu tư thực hiện các chính sách về rừng đặc dụng; rừng phòng hộ; rừng sản xuất; chế biến và thương mại lâm sản thực hiện phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020 khoảng 50.231 tỷ đồng, đạt 84,3% kế hoạch.

Mục tiêu của ngành lâm nghiệp trong giai đoạn mới là ngành công nghiệp chế biến gỗ và nâng cao chất lượng rừng.

Các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá sâu hơn việc thực hiện các chính sách trong giai đoạn vừa qua làm cơ sở cho việc sửa đổi các chính sách, nhất là đối với mức đầu tư hỗ trợ và đối tượng được hưởng của chính sách. Một số ý kiến cho rằng, trên thực tế, nhiều diện tích rừng tự nhiên nghèo giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được quản lý bảo vệ tốt nhưng thiếu chính sách hưởng lợi cụ thể.

Ông Hoàng Văn Hào, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc nêu ý kiến: "Diện tích bình quân mỗi hộ gia đình không quá 30 ha đối với đối tượng khoán bảo vệ rừng đặc dụng rừng phòng hộ rừng tự nhiên là thấp, không đảm bảo thu nhập cho người nhận khoán bảo vệ rừng.

Theo như tính đơn giá hiện nay với mức khoán 300.000 đồng/ha, với 30 ha thì 1 năm mỗi hộ chỉ được 9 triệu đồng như vậy rất khó khăn. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới có tính ưu việt hơn để hỗ trợ cho thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp hoặc duy trì các chính sách đã có nhưng đề nghị điều chỉnh mức đầu tư hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện thực tế".

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, trong những năm qua cơ chế chính sách đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp đã từng bước được hoàn thiện qua đó góp phần quan trọng đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành lâm nghiệp hơn 15% mỗi năm.

Mục tiêu của ngành lâm nghiệp trong giai đoạn mới là ngành công nghiệp chế biến gỗ và nâng cao chất lượng rừng không chỉ đảm bảo phát triển kinh tế mà còn phải đảm bảo ổn định an sinh xã hội đối với những người sống sinh sống về nghề rừng cũng như đóng góp cao hơn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ với mong muốn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đạt khoảng 20 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2025.

"Tới đây mục tiêu là tập trung vào nâng cao chất lượng rừng, liên kết theo chuỗi, tăng chuỗi giá trị trong sản phẩm lâm nghiệp. Như vậy, cơ chế chính sách cũng phải chuyển hướng đầu tư, theo tinh thần của Luật. Cần phân định rất rõ chính sách đầu tư là nhà nước sẽ đầu tư cho hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để đảm bảo môi trường cũng như đa dạng sinh học lâu dài của đất nước.

Bên cạnh đó, hỗ trợ cho việc phát triển sản xuất nhưng cơ bản là về nguồn lực, hỗ trợ cho những hộ nông dân nghèo, những người yếu thế để tiếp cận được với những chính sách nâng cao đời sống gắn với bảo vệ phát triển rừng" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên