Thu phí phương tiện lưu hành nội đô: cẩn thận kẻo tăng ùn tắc

Theo Sở GT-VT, đề án thu phí này là một trong những giải pháp góp phần hạn chế mật độ phương tiện tham giao giao thông.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở GT- VT chủ trì xây dựng đề án và thống nhất với Sở Tài chính và Công an Hà Nội hoàn chỉnh đề án thu phí lưu hành đối với phương tiện giao thông hoạt động trong khu vực nội đô.

Theo Sở GT-VT, đề án thu phí này là một trong những giải pháp góp phần hạn chế mật độ phương tiện tham giao giao thông góp phần làm giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trong giờ cao điểm.

Theo đề xuất của Bộ GT-VT, ngoài phí lưu hành mức phí sàn ô tô đi vào nội đô các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội vào giờ cao điểm (sáng từ 6h-8h30 và chiều 16h-19h) đối với ô tô đến 7 chỗ là 30.000 đồng/lượt, các ô tô còn lại áp dụng mức phí 50.000 đồng/lượt.

Giờ cao điểm liệu có khả thi trong việc thu phí ô tô

Phải bổ sung cơ sở pháp lý

Sở GT-VT  khẳng định quyết tâm cao trong việc xây dựng và triển khai đề án này và cho rằng, trong 13 danh mục phí, lệ phí thuộc lĩnh vực giao thông vận tải ban hành kèm theo Pháp lệnh số 38/2001 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa có mục phí lưu hành đối với phương tiện giao thông hoạt động trong khu vực nội đô giờ cao điểm. Sở GT-VT tham mưu thành phố lập đề án và triển khai loại thu phí này thì cần phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung mục phí lưu hành đối với phương tiện giao thông hoạt động trong khu vực nội đô giờ cao điểm.

Điều 11 Pháp lệnh số 38 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội qui định rõ “Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thu phí, lệ phí được phân cấp do Uỷ ban nhân dân cùng cấp trình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”. Vì vậy để thực hiện Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung và hướng dẫn triển khai đối với danh mục phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của cấp tỉnh, thành phố.

Trên cơ sở sửa đổi bổ sung Pháp lệnh phí và lệ phí và hướng dẫn của Bộ Tài chính, HĐND thành phố mới quyết định mức thu.

Bên cạnh đó, do điều kiện kỹ thuật chưa thực hiện thu phí tự động mà phải lập chốt thu phí dẫn tới phải tăng lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra tại các chốt.

Ngoài ra, việc thu phí thủ công sẽ dẫn tới ùn tắc cục bộ tại điểm chốt thu phí. Còn nếu thực hiện thu phí tự động thì sẽ rất tốn kém, đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn, bao gồm trang thiết bị tại các chốt và các thiết bị gắn trên xe ô tô, việc này gặp khó khăn về quy định pháp lý và cần có lộ trình thực hiện việc gắn thiết bị tính phí trên các xe ô tô thuộc đối tượng thu phí.

Cùng đó, đặc thù Hà Nội là nơi tập trung nhiều cơ quan, vị trí rải rác trong khu vực các quận nội thành. Mật độ dân cư không đều, chủ yếu phía trong vành đai 2. Các luồng giao thông đan xen, phức tạp. Việc ùn tắc trong khu vực nội đô chủ yếu tại các nút do vượt quá khả năng thông qua của các nút từ 2-4 lần trong giờ cao điểm.

Theo các chuyên gia giao thông, việc thực hiện thu phí phương tiện vào nội đô Hà Nội cần hết sức thận trọng, phải xây dựng cơ sở pháp lý, đề án khoa học khả thi bởi gây ra hạn chế quyền đi lại của người dân. Nếu chỉ đơn thuần là chống ùn tắc trong giờ cao điểm thì có nhiều giải pháp hiệu quả hơn là áp dụng thu phí các xe ô tô vào nội đô mà cách đơn giản nhất là tập trung đầu tư xây dựng giao thông hiện đại.

Trước những khó khăn về cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, trao đổi xung quanh vấn đề xây dựng đề án này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội khẳng định quyết tâm cao trong việc triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GT-VT và Thành phố Hà Nội. “Hiện chúng tôi đang phối hợp với Công thành phố và Sở Tài chính nghiên cứu phương án, để trong tháng 2 này có thể tổ chức hội thảo khoa học, lấy ý kiến các chuyên gia để xây dựng, hoàn thiện đề án, trình thành phố xem xét phê duyệt”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên