Thủ tướng: Phải minh bạch giá điện, xăng dầu
(VOV) -Đây là chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của ngành Công Thương.
Sáng nay (11/1), Bộ Công thương tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 ngành Công thương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có nhiều chỉ đạo quan trọng.
Ngành công nghiệp còn nhiều hạn chế
Ghi nhận và biểu dương những thành quả ngành Công Thương đạt được trong năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương sự nỗ lực lớn của ngành Công thương năm qua, dù nhiều kết quả chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, dồn sức kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô… nhưng vẫn có nhiều kết quả tăng trưởng khá, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Đó là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8%; công nghiệp ngày càng đi vào căn cơ, chuyển dịch trong công nghiệp tích cực hơn, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, khai khoáng giảm, đó là xu thế tích cực; giảm được hàng tồn kho, đầu năm rất lo vì trên 34%, cuối năm còn trên 20%; tăng trưởng xuất khẩu trên 18% là con số không phải nhiều quốc gia đạt được; quản lý tốt hơn nhập khẩu... góp phần đưa thặng dư đạt hơn 8 tỷ USD….”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương tiếp tục phát huy thành quả, ra sức khắc phục các hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý: Vấn đề lớn nhất bây giờ là công nghiệp còn nhiều yếu kém, còn nặng về gia công, nhiều ngành phát triển chậm; chất lượng các chiến lược quy hoạch còn thấp.
“Các lĩnh vực công nghiệp lâu nay nói mãi về công nghệ cao, về chế tạo và phụ trợ, nhưng đến nay đã làm được bao nhiêu rồi? Nói đất nước đến 2020 phấn đấu cơ bản là nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng thực tế đến nay ngành chế tạo chẳng ra chế tạo, ô tô chẳng ra ô tô, tàu thủy chẳng ra tàu thủy... Ngành Công thương phải cân nhắc lại xem có phải cần ngành công nghiệp ô tô, đóng tàu, chế tạo... như thế không? Phải xác định cái gì là thế mạnh của Việt Nam. Đơn cử, ngành đóng tàu đã có một bước tiến, nhưng để thành ngành có tính cạnh tranh, lợi thế vượt trội thì được chưa? Hay ngành công nghiệp điện tử trước đây phát triển mạnh, nhưng nay đang mai một…”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ của ngành Công thương năm 2013, Thủ tướng chỉ đạo: Ngành Công thương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vừa trước mắt vừa lâu dài, để thúc đẩy thị trường, phải làm thiết thực thông qua các hiệp hội, ngành hàng... chẳng hạn như về tiếp cận tín dụng, mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng… Cần phải phối hợp liên ngành để xử lý tốt các vấn đề này. Đặc biệt, Ngành phải chú ý làm tốt việc mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh hoạt động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, phải chống buôn lậu, gian lận thương mại…
Chỉ đạo về việc bảo đảm hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương phải gắn với kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm. “Muốn kiểm soát giá, trước hết phải đủ hàng; nhanh chóng nhân rộng hệ thống hàng bình ổn giá trên cả nước. “Đây là việc làm có lợi cho nước, cho dân. Không riêng gì dịp Tết, năm 2013 phải làm tốt việc này”- Thủ tướng khẳng định.
Đồng thời, Thủ tướng đặc biệt nhắc ngành Công thương “không được chủ quan, tự mãn với những thành tựu đã đạt được”.
Riêng về xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương phải tranh thủ tranh thủ các thị trường đã có, nhất là các thị trường lớn, đồng thời phải tăng cường xúc tiến thương mại, mở thêm thị trường; phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu về thủ tục hành chính, thuế, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại...
Thủ tướng khẳng định, trong năm 2013 có nhiệm vụ rất quan trọng là tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó ngành Công thương có vai trò quan trọng. Do đó, Ngành phải rà soát lại chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp. Nói tới năm 2020 Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp thì ngây bây giờ phải nhanh chóng xác định được ngành nào là xương sống, ngành nào có sức cạnh tranh. Đồng thời, phải tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc Bộ Công thương, ví dụ như điện lực, dầu khí, xăng dầu, sắt thép, xi măng... đều là những ngành lớn, quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, phải chú ý tăng cường công khai, minh bạch giá điện, nước, xăng dầu hơn nữa. Phải tiết kiệm chi phí đầu vào sản xuất về điện, nước… để giảm giá thành sản phẩm xi măng, sắt thép… Cả ngành điện và người tiêu dùng đều phải thực hành triệt để tiết kiệm; giá xăng dầu phải được kiểm soát, phải theo giá thị trường nhưng phải minh bạch; khuyến khích cạnh tranh để có giá thực sự thị trường.
Tại Hội nghị, Thủ tướng còn lưu ý Bộ Công thương phải đặc biệt lưu ý về trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước của mình trong việc xây dựng thể chế, chính sách, nhất là phải đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, Bộ phải quan tâm việc giải đáp, giải trình, cung cấp thông tin cho nhà nước, nhân dân…
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết: Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng trong năm 2012, nhưng năm 2013 nền kinh tế nước ta phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, ngành Công Thương nói riêng.
Do đó, năm 2013, Ngành đặt mục tiêu: giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 126,1 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012; Tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt khoảng 136 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2012; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 8%; Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức 6%.
Về phát triển thị trường trong nước sẽ định hướng: Thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, Tết; Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát; Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu; kiểm soát chặt buôn bán qua biên giới. Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường; kiểm tra; kiểm soát giá cả, thị trường, ngăn chặn đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Xử phạt nghiêm minh các vi phạm pháp luật về giá cả, thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, chú trọng phát triển thị trường nông thôn, miền núi, và các vùng biên giới, hải đảo. Phát triển hệ thống kênh phân phối hàng Việt, nhất là tới thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội năm 2013 ước đạt khoảng 2.742.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2012./.