Thủ tướng yêu cầu EVN không đầu tư ngoài ngành

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: điện năng là yếu tố quyết định trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. EVN không đầu tư ra ngoài ngành mà tập trung đảm bảo cân đối đủ điện năng cho đất nước…

Chiều nay 24/2 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương đã làm việc với Tập đoàn điện lực Việt Nam về kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư của ngành điện trong năm nay và năm 2010.

Báo cáo Chính phủ, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT EVN khẳng định: năm 2008 điện năng thương phẩm của EVN đạt 65,93 tỷ kWh, tăng 2,94 lần so với năm 2000, tổng doanh thu đạt 66.371 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng lên khoảng 74.000 tỷ đồng. Nhờ áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp EVN đã giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống mức 1 con số ( còn 9,35%).

EVN cũng triển khai các chương trình đầu tư điện nông thôn và tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Đến cuối năm 2008, 100% số huyện đã có điện lưới và điện tại chỗ, 97,26% số xã và 94,03% số hộ nông dân đã sử dụng điện lưới quốc gia.

EVN đang tiếp tục triển khai 4 dự án qui mô lớn vay vốn WB 370 triệu USD và gần 2.000 tỷ đồng để cấp điện cho các vùng nông thôn, miền núi; từ tháng 6/2008 EVN triển khai đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến các hộ trên toàn quốc với mục tiêu tiếp nhận gần 5.000 xã với 7,4 triệu hộ dân.

Trong những năm qua, EVN từng bước phát triển kinh doanh đa ngành, cung cấp đầy đủ các loại hình dịch vụ viễn thông công cộng, hệ thống đường trục cáp quang mạnh đến tất cả 64 tỉnh thành trên cả nước với 2 cổng quốc tế dung lượng lớn. Đến cuối năm 2008, EVN đã có trên 3,67 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông mang lại doanh thu hơn 3.736 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, các đơn vị thuộc EVN đủ khả năng sản xuất hàng loạt các máy biến áp đến cấp điện áp 220 kV có công suất đến 250 MVA và sửa chữa máy biến áp 500 kV. Riêng năm 2008, các đơn vị cơ khí EVN đã cung cấp 10.530 tấn kết cấu thuỷ công, trong đó có 2.000 tấn thiết bị đường ống cho công trình thuỷ điện Sơn La. Cũng trong năm 2008, tổng vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính của EVN là 1.182 tỷ đồng, chiếm 2,38% vốn điều lệ.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã đình hoãn hầu hết các hạng mục đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính.

Báo cáo với Thường trực Chính phủ, lãnh đạo EVN cũng nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại. Đó là một số công ty điện lực chưa chấp hành nghiêm túc kế hoạch điều độ hệ thống điện; lúng túng trong điều hành khi hệ thống xảy ra tình trạng thiếu công suất và điện năng; khối lượng đầu tư một số đơn vị đạt thấp; tiến độ một số công trình không bảo đảm; chưa tranh thủ được sự ủng hộ triệt để của một số cơ quan, ban ngành…

Trên cơ sở ý kiến của các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành trả lời một số kiến nghị của EVN liên quan đến đề nghị tăng vốn điều lệ của tập đoàn lên mức 100 nghìn tỷ đồng, ưu tiên các nguồn vốn tập trung cho các dự án điện, các biện pháp  đảm bảo thị trường điện hoạt động công khai, bình đẳng và minh bạch…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: điện năng là yếu tố quyết định trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đi liền với đẩy mạnh đầu tư các dự án điện thì phải gắn với tiết kiệm điện tiêu dùng. EVN có vai trò nòng cốt, chủ lực cung cấp điện cho đất nước, nhất là trong truyền tải và phân phối điện.

Thủ tướng đánh giá cao EVN đã khắc phục khó khăn, cơ bản cấp đủ điện cho đất nước trong năm 2008, bảo toàn và tăng vốn chủ sở hữu, giảm tổn thất điện năng xuống dưới 1 con số, tất cả các huyện đã có điện lưới và điện tại chỗ, đặc biệt là trên 97 % số xã và hơn 94 % số hộ nông dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia, lĩnh vực cơ khí điện cũng được EVN đẩy mạnh tạo ra nhiều chuyển biến tích cực…

Cùng với những hạn chế mà EVN đã nêu rõ trong báo cáo, Thủ tướng yêu cầu EVN nghiêm túc kiểm điểm việc chậm triển khai đầu tư phát triển điện năng theo Tổng sơ đồ điện 6. Bộ Công thương và EVN tập trung làm rõ những vướng mắc để tập trung xử lý, dứt khoát không để xảy ra tình trạng thiếu điện.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương, EVN tập trung rà soát Tổng sơ đồ điện 6 và chuẩn bị xây dựng Tổng sơ đồ đồ điện 7 cho giai đoạn 2010-2020 với tinh thần kiên quyết đảm bảo đủ điện năng để đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì họp với các bộ, ngành lựa chọn kịch bản tăng trưởng, gắn với phân công giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các tập đoàn đầu tư các dự án điện; tập trung đầu tư mạnh hệ thống lưới điện; xây dựng Chiến lược tiết kiệm điện từ các thiết bị dân dụng cho đến các thiết bị công nghệ; đẩy nhanh hoàn thành việc tiếp nhận điện lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến các hộ trên toàn quốc; kiên quyết tiến tới cơ chế thị trường điện gắn với hỗ trợ cho hộ nghèo.

Thủ tướng yêu cầu EVN không đầu tư ra ngoài ngành mà tập trung đảm bảo cân đối đủ điện năng cho đất nước…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên