Thúc đẩy cạnh tranh công bằng: Phải sẵn sàng cải cách
VOV.VN - Tình trạng độc quyền và sự lấn át của các tập đoàn kinh tế lớn đang đặt ra vấn đề cải cách để thúc đẩy cạnh tranh công bằng.
>> Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
>> Doanh nghiệp Việt lo về sức ép cạnh tranh từ TPP, FTA
>> Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Mặc dù đã có nhiều quy định pháp luật nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế, tuy nhiên, độc quyền vẫn tồn tại, ưu thế vẫn thuộc về các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn. Thực tế này đang đặt ra nhiều vấn đề cần được thay đổi, cải cách mạnh mẽ để thúc đẩy cạnh tranh công bằng.
Cạnh tranh không lành mạnh, thiếu công bằng là câu chuyện không mới trong nền kinh tế Việt Nam. Đáng chú ý là việc liên kết giữa các doanh nghiệp lớn để tạo thế độc quyền, hoặc sự cấu kết giữa doanh nghiệp với quan chức nhà nước để được bảo hộ, làm méo mó thị trường.
Doanh nghiệp cỡ vừa có vị trí quan trọng tạo lên chuỗi giá trị. (Ảnh: Báo Công Thương) |
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương thừa nhận, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc cạnh tranh thiếu lành mạnh, thậm chí có liên quan tới sự can thiệp, chỉ đạo của quan chức nhà nước.
Chẳng hạn, có tình trạng một số Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ định các trường phải mua bảo hiểm học sinh của một doanh nghiệp, hoặc một ngân hàng lớn ký kết chương trình hợp tác với UBND một tỉnh, ngay lập tức ông Chủ tịch tỉnh này ra văn bản đề nghị tất cả các cơ quan nhà nước, cán bộ nhân viên của địa phương phải sử dụng tài khoản ngân hàng đó để chuyển lương…
Ông Tuấn cho biết, Cục Quản lý cạnh tranh đã vào cuộc xử lý không ít vụ việc, nhưng thông tin thì chưa được công khai. “Một số vụ việc thì khi mà Cục làm việc thì đã yêu cầu họ ra một văn bản khác thu hồi văn bản của họ trước, đồng thời loại bỏ văn bản kia. Nhưng ở đây có câu chuyện là việc tuyên truyền phổ biến thì đúng là hiện nay Cục cũng chưa quan tâm lắm. Đáng lẽ ra những sự việc như vậy thì phải đưa lên, thông tin cho báo chí và UBND đấy cũng phải công bố công khai, nhưng thực sự hiện nay thì công tác tuyên truyền về những vụ việc đấy chưa được quan tâm,” ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do yếu kém trong việc thực thi pháp luật về quản lý cạnh tranh. Khuôn khổ pháp lý về cạnh tranh cũng chưa đầy đủ, nội dung chống độc quyền trong Luật Cạnh tranh hiện hành còn khá “khiêm tốn”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện vẫn chưa có một cơ quan riêng biệt chỉ thực hiện chức năng quản lý, giám sát cạnh tranh, mà đây lại là một yêu cầu rất quan trọng. Vì vậy, theo ông Doanh, trước hết cần tạo ra một cơ quan quản lý, giám sát cạnh tranh độc lập và đủ năng lực.
“Phải nâng cấp cơ quan quản lý cạnh tranh, phải tách bạch thành cơ quan chỉ chuyên làm quản lý chứ không đồng thời làm chính sách, không đồng thời làm chủ sở hữu, hay xúc tiến thương mại… Và phải làm rất gấp, vì nếu không thì sẽ có nguy cơ lớn là sẽ có các thế lực doanh nghiệp nước ngoài vào đây, lợi dụng những sơ hở của chúng ta để chiếm lĩnh, thống lĩnh thị trường. Lúc bây giờ người Việt Nam sẽ mua hàng của nước khác, còn doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể tồn tại,” ông Doanh nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy cạnh tranh công bằng, không chỉ cần hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý, mà còn phải thay đổi tư duy trong xây dựng, ban hành chính sách pháp luật cũng như quản lý cạnh tranh.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương ( Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cách quản lý cạnh tranh của Việt Nam chưa quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi các doanh nghiệp này lại chiếm đa số. Nhiều quyết định được ban hành tạo lợi thế cho các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn phải chịu thiệt thòi. Hậu quả là dễ tạo độc quyền cho các doanh nghiệp lớn.
“Chúng ta coi quá nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa dẫn đến cạnh tranh quá mức, như thế là làm đảo lộn thị trường. Đây là một khái niệm mà rất khác so với các nước khác. Chúng ta cần phải có cạnh tranh công bằng, nhưng ít tiếp cận theo hướng đó mà lại coi cạnh tranh là xấu, là tác động tiêu cực, nhất là cạnh tranh gọi là cạnh tranh quá mức. Và nhiều khi đã có những quyết định bất lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là làm mất quyền kinh doanh của họ,” ông Cung nói.
Từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, Tiến sỹ Warren Mundy, Ủy viên Hội đồng Ủy ban Năng suất Australia khẳng định, một thị trường công bằng cần đảm bảo mở rộng cho tất cả các đối tượng sản xuất, các sản phẩm mới, tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Warren Mundy, thách thức của Việt Nam hiện nay là xây dựng được một hệ thống pháp lý đủ mạnh để tạo ra môi trường đầu tư công bằng cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Rõ ràng, bên cạnh việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đã đến lúc cần xem xét để thay đổi mạnh mẽ cơ chế, chính sách về quản lý cạnh tranh. Bởi, kiểm soát độc quyền và tạo lập môi trường đầu tư có sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh là yếu tố then chốt để tăng tính hiệu quả cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay./.