Thúc đẩy động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng
VOV.VN - Với kết quả GDP 2 quý đầu năm đạt 6,42%, tăng trưởng thực tế của Việt Nam được đánh giá là đã vượt so với tiềm năng trong quý 1 và quý 2. Với triển vọng này, tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 hoàn toàn có thể đạt kế hoạch Quốc hội đề ra cho năm nay là tăng trưởng đạt từ 6-6,5%.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo, nếu điều kiện kinh tế thế giới thuận lợi, nỗ lực trong nước mạnh mẽ, Việt Nam thậm chí có thể đạt kịch bản cao là GDP năm 2024 đạt mức tăng 6,95%. Với diễn biến này, chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần nỗ lực thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng cao hơn.
Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố mới đây cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối tích cực so với các nước trong khu vực. Nếu giả thiết kinh tế thế giới còn bất định, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như đề ra trong nửa đầu năm 2024, thì mức tăng trưởng GDP năm 2024 dự báo đạt 6,55%. Còn nếu kinh tế thế giới chuyển biến tích cực hơn, GDP có thể đạt mức tăng 6,95%. Tuy nhiên, muốn đạt kịch bản tăng trưởng cao, cần thúc đẩy được các động lực mới cho tăng trưởng.
“Nhiều báo cáo nói động lực tăng trưởng nhấn mạnh 2 yếu tố là đầu tư và xuất khẩu nhưng có giới hạn nhất định, thời kỳ mới không dựa vào năng suất lao động và đổi mới sáng tạo thì rất khó. Vì đầu tư ICOR cao thì khó, xuất khẩu nước ngoài trì trệ không mua hàng thì chịu. Cần nhấn mạnh điều này”, PGS.TS. Lê Xuân Bá, chuyên gia kinh tế phân tích.
Điểm tích cực là năng suất lao động có một số dấu hiệu cải thiện tích cực. GDP bình quân lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng khoảng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI để cải thiện hiệu quả và năng suất lao động, như trong lĩnh vực thương mại điện tử, đồ họa chuyên nghiệp... Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng cho AI và chuyển đổi kỹ năng, tăng kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số vẫn là thách thức đặt ra.
“Phải có thể chế thí điểm, đột phá trong những lĩnh vực đóng góp động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Rà soát động lực tăng trưởng về kinh tế xanh, kinh tế số, thì thêm là Đô thị kiểu mới, đô thị thông minh là động lực tăng trưởng mới, là các cực tăng trưởng mới của các vùng và của quốc gia”, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng lưu ý, quy mô tài chính xanh còn khá khiêm tốn. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong 5 năm, từ 2027 đến 2023, dư nợ cấp tín dụng xanh có mức tăng bình quân hơn 22%/năm. Đến hết năm 2023, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt gần 621.000 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, nhưng mới chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
“Quy mô tài chính xanh còn khiêm tốn, mặc dù đã có cả ở kênh cổ phiếu, trái phiếu và tín dụng nhưng quy mô còn khiêm tốn và chưa có tiêu chí chính thức, đánh giá theo tiêu chuẩn nào, có thể ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện. Đồng thời, rủi ro liên quan đến cấp vốn dự án xanh, phải có ưu đãi tài chính nhưng đến nay chưa được tháo gỡ”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định.
Để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tích cực, Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra 3 kiến nghị chính sách, là: Cải thiện chất lượng tăng trưởng; Điều hành chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp và Thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do - FTA. Theo đó, cần cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo, thích ứng với các xu hướng lớn, như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đồng thời, cần có giải pháp hữu hiệu để tăng năng suất lao động ở khu vực công, trở thành động lực kích thích tăng năng suất lao động ở các khu vực kinh tế khác. Cùng với đó, cần hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, như: kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế sáng tạo. Đối với khuyến nghị về thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do - FTA, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, cần tập trung hơn vào tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thay vì yêu cầu tuân thủ.