Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: Không nên triển khai một cách máy móc
VOV.VN - Chủ trương thúc giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là đúng đắn, nhưng cũng cần cân nhắc việc thúc giải ngân bằng mọi giá.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 43%
Chính phủ và Thủ tướng xác định, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp trọng yếu để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, các dòng vốn đầu tư đang chững lại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, người lao động giảm việc làm, thu nhập thấp... Đầu tư công không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%.
Đồng tình quan điểm này, PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, các gói hỗ trợ hiện tại chỉ là “cầm hơi”, trong khi giải ngân đầu tư công “mới thực sự bơm máu cho nền kinh tế, máu sẽ chảy vào các hệ thống, lan dần ra, làm hồi sinh doanh nghiệp, kích hoạt doanh nghiệp, làm sống động dần các ngành, lĩnh vực”.
Theo kế hoạch vốn đầu tư công giải ngân trong năm nay là 28 tỷ USD, tương đương 633.000 tỷ đồng. Mặc dù 7 tháng qua giải ngân vốn có tiến bộ, cao hơn các năm trước, nhưng vẫn là mức thấp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 203.000 tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 32.500 tỷ đồng, bằng 38,4% kế hoạch năm; vốn địa phương quản lý đạt 170.500 tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch năm. Như vậy, vẫn còn khối lượng rất lớn chưa được giải ngân.
Nếu lặp lại tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của giai đoạn trung hạn 2016-2020.
Nóng ruột với kết quả giải ngân thấp, tại buổi giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công mới đây, yêu cầu phải giải ngân hết 100% vốn đầu tư công năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu, cán bộ trực tiếp thì mới hy vọng có sự chuyển biến tình hình, đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng phải có một chương trình hành động cụ thể, ngắn gọn với hành động mạnh mẽ trong việc giải ngân vốn đầu tư công; 2 tuần một lần phải báo cáo về tình hình giải ngân và kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
Đáng chú ý, việc điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân cũng sẽ được Chính phủ thực hiện ngay từ tháng 8/2020. Đặc biệt, ngay sau cuộc họp này, Thủ tướng đã quyết định thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương do đích thân Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng làm trưởng đoàn.
Cân nhắc việc thúc giải ngân đầu tư công bằng mọi giá
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2020 đang trông vào mũi giáp công giải ngân vốn đầu tư công khi các động lực còn lại đang gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với kết quả giải ngân chưa như kỳ vọng, Chính phủ đã truyền đạt những thông điệp cứng rắn, quyết liệt để tháo gỡ bài toán này. Chủ trương thúc giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tiến độ, kế hoạch đã giao là hoàn toàn đúng, nhưng cũng cần cân nhắc việc thúc giải ngân đầu tư công bằng mọi giá.
“Những dự án đã giao nhưng không có khả năng hấp thụ, không hiệu quả mà bây giờ cứ thúc để giải ngân đạt đúng tiến độ, đúng kế hoạch thì e là chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế nhưng lại không giải được bài toán hiệu quả, thậm chí dẫn đến mặt trái của nó, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước thì sẽ rất nguy hiểm”, GS. TS. Đặng Đình Đào cảnh báo.
Theo GS. TS. Đặng Đình Đào, để thực hiện yêu cầu của Chính phủ là giải ngân vốn đầu tư công đạt 95-100% thì cần phải tính toán lại những dự án nào hiện nay đang trì trệ mà phải hoàn thành để đưa vào khai thác thì cần tập trung làm hoặc dự án nào hiện nay còn vướng mắc chưa giải ngân được thì tập trung tháo gỡ vướng mắc để giải ngân chứ không nên chỉ chú trọng giải ngân bằng mọi giá. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại các dự án, dự án nào thực sự cần cho nền kinh tế quốc dân, cần cho tăng trưởng, cần cho địa phương thì phải gấp rút hoàn thiện thủ tục để đầu tư, triển khai, còn dự án nào không cần thiết, không hiệu quả thì thôi.
“Cần tính toán 1 cách tổng thể việc giải ngân vốn đầu tư công, chủ trương đúng nhưng không thể triển khai một cách máy móc. Phải minh bạch hóa rà soát, đánh giá lại các dự án, xem vướng mắc ở chỗ nào thì chung tay tháo gỡ từ trên xuống chứ không thể cứ địa phương nào cũng muốn giải ngân vốn để chỉ số hoàn thành tăng lên nhưng không hiệu quả thì sẽ tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Việc này các bộ, ngành, địa phương phải làm ngay, không thể làm theo kiểu chạy theo số lượng, chạy theo thành tích trong giải ngân vốn đầu tư công, như vậy rất nguy hiểm”, GS. TS. Đặng Đình Đào khuyến cáo./.