Thuế 'trói' bất động sản
Quy định cho phép doanh nghiệp bất động sản được lấy lợi nhuận trong hoạt động ở các lĩnh vực khác để bù trừ cho kinh doanh bất động sản bị thua lỗ nhưng không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản để bù trừ cho các hoạt động khác bị thua lỗ là bất hợp lý, cần bãi bỏ.
Doanh nghiệp bất động sản cho rằng đang bị phân biệt đối xử về thuếẢnh: Diệp Đức Minh/Thanh niên |
Là người trong cuộc, ông NguyễnVăn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành, nhận xét quy định tréo ngoe này đã kéo dài nhiều năm, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) địa ốc thêm khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi. Bởi không phải DN bất động sản (BĐS) nào cũng chỉ kinh doanh địa ốc đơn thuần, mà có những công ty, tập đoàn kinh doanh đa ngành, như nhà bán lẻ điện máy Nguyễn Kim, Tập đoàn taxi Mai Linh cũng đầu tư vào BĐS, hay Công ty CP Nhà Thủ Đức (Thuduc House) kinh doanh chợ đầu mối... “Những DN kinh doanh đa ngành nghề đều đầu tư từ nguồn vốn của họ thì họ phải được quyền cân đối tài sản, cân đối thu chi. Vốn trong một DN là bình thông nhau, nhưng họ lại không được bù trừ lãi lỗ là không công bằng. Trong kinh doanh có thời cơ, may rủi, có công ty đã lên đời nhờ BĐS nhưng nhiều công ty cũng sụp đổ vì BĐS. DN đã trả giá vì lỗ BĐS thì họ cũng phải được đối xử công bằng như DN các ngành nghề kinh doanh khác”, ông nói.
Không đúng tinh thần luật Doanh nghiệp
Khảo sát của một công ty kiểm toán cho thấy, các nước như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc... đều quy định lãi lỗ của các hoạt động kinh doanh và chuyển nhượng BĐS được bù trừ khi tính thuế TNDN. Chỉ có ở VN và Malaysia vẫn áp dụng "van thuế một chiều", không cho phép bù trừ lãi BĐS cho các hoạt động kinh doanh khác. Theo một chuyên gia kinh tế, đây là một trong những lý do khiến VN chưa tạo ra nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh.
Thực tế trên thế giới cho thấy, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh đều kinh doanh đa ngành. Khi đã xây dựng vững vàng năng lực lõi của mình, họ sẽ mở rộng ra những ngành nghề khác. Nhưng hoạt động kinh doanh mới ban đầu luôn phải đối mặt với khó khăn, thậm chí phải chịu lỗ trong một thời gian dài mới có được thị phần, khách hàng, xây dựng được thương hiệu. Vì vậy, họ rất cần được tạo điều kiện thuận lợi từ cơ chế, chính sách.
Ở VN cũng tương tự, nhiều DN mạnh về BĐS bắt đầu quay đầu tư sang các ngành sản xuất, dịch vụ thiết yếu trong nền kinh tế. "Nhưng cứ lãi đồng nào ở BĐS là bị "đè" thu thuế đồng đó, không cho bù sang lĩnh vực đầu tư mới thì biết đến bao giờ VN mới có được những tập đoàn kinh tế mạnh để sánh vai các nước trong khu vực và thế giới", vị chuyên gia này đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam nói: “Cho bù trừ lãi lỗ hai chiều, tạo điều kiện để DN trở thành những tập đoàn kinh tế hùng mạnh thì cơ quan thuế càng có thêm nguồn thu mới chứ không phải tách ra để tận thu như hiện nay. Đây mới là cách làm theo tinh thần luật DN”.
|