Thương mại giữa Việt Nam và khu vực Nam Á đạt 6,2 tỷ USD

VOV.VN -Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nam Á đạt khoảng 3,25 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2012

Theo Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương), trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước khu vực Nam Á năm 2013 có tốc độ tăng trưởng khá cao so với các khu vực khác, ước tính đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2012.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nam Á đạt khoảng 3,25 tỷ USD, tăng 35% và nhập khẩu hàng hóa từ các nước Nam Á đạt khoảng 2,95 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2012.

Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ luôn đạt mức độ tăng trưởng khả quan với tốc độ tăng ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng trung bình trên 40% trong 5 năm qua. Đặc biệt kể sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa AITIG bắt đầu có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đã có sự biến chuyển đáng kể.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ ngày càng đa dạng về cơ cấu ngành hàng cũng như tăng về trị giá xuất khẩu, dần dần tạo được thương hiệu, chỗ đứng và niềm tin đối với người tiêu dùng tại thị trường này.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn và có tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm gần đây gồm điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, cao su, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Tính đến hết 11 tháng năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu của 3 mặt hàng này đạt 1,5 tỷ USD, chiếm gần 70% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ.

Đối với thị trường Pakistan, trao đổi thương mại hai chiều có tốc độ tăng trưởng nhanh với mức tăng trung bình 20%/năm giai đoạn từ 2000 – 2012. Năm 2013, tình hình bất ổn chính trị kéo dài tại Pakistan đã tác động tiêu cực đến trao đổi thương mại giữa hai nước, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 324 triệu USD, bằng 82% so với năm 2012. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 181 triệu USD, bằng 104% so với năm trước.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm chè, sơ xợi dệt, hạt tiêu, thủy sản, điều, sắt thép... Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Pakistan vào Việt Nam giảm 34% so với năm 2012. Mức giảm lớn này chủ yếu do Việt Nam giảm nhập khẩu các mặt hàng phục vụ trong ngành sản xuất dệt may, da giầy như bông (-70,2%), vải các loại (-28,2%)…

Sri Lanka là quốc gia có thu nhập đầu người đứng đầu khu vực Nam Á, hiện đang tích cực tái thiết đất nước, mở cửa và phát triển nền kinh tế, nhu cầu giao thương và sức mua tăng đáng kể. Trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước trong thời gian qua đã có sự biến chuyển tích cực.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính đến hết năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Sri Lanka đạt khoảng 155 triệu USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 122 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 33 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam từ Sri Lanka bao gồm clanhke, vải, cao su, dây điện và dây cáp điện, điện thoại di động và linh kiện… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam là thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may da giày, vải, hạt tiêu… 

Đối với thị trường Bangladesh, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường năm 2013 ước đạt trên 500 triệu USD, tăng mạnh trên 42% so với năm 2012. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này có kim ngạch tăng trưởng tốt, bao gồm: mặt hàng xơ, sợi dệt các loại đạt 33,6 triệu USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 27,8 triệu USD); mặt hàng dệt may đạt 19,6 triệu USD, tăng 20,2% (11 tháng 2012 đạt 16,3 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 8,7 triệu USD, tăng 42,6% (6,1 triệu USD). Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch giảm sút, đáng kể nhất là mặt hàng sắt thép các loại. 

Hợp tác đầu tư vẫn ở mức khiêm tốn

Nhìn chung tình hình đầu tư của các nước khu vực Nam Á vào Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn so với các khu vực khác. Tính đến hết tháng 12 năm 2013, Ấn Độ có 77 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 250 triệu USD, xếp hạng 30 trong số các nước vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; Sri Lanka có 9 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 13,94 triệu USD, đứng thứ 65.

Pakistan có 10 dự án với số vốn chỉ 1,9 triệu USD; Bangladesh có 2 dự án trị giá 500.000 USD. Điển hình trong năm 2013, Tập đoàn Tata Po er của Ấn Độ đã được phía Việt Nam cấp phép tham gia đầu tư xây dựng nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2, công suất 1.200 MW tại Sóc Trăng, trị giá 1,8 tỷ USD, theo phương thức B T. Dự kiến nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 sẽ được khởi công xây dựng năm 2015 và cho ra điện thương phẩm năm 2019. 

Về hướng ngược lại, đầu tư của Việt Nam vào các nước Nam Á vẫn rất hạn chế, đến cuối năm 2013, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia đầu tư vào 3 dự án tại Ấn Độ với số vốn 860.000 USD, vào 1 dự án tại Băng-la-đét với số vốn 100.000 USD. 

Triển vọng hợp tác

Việt Nam và Ấn Độ là hai nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng cao của thế giới và khu vực châu Á, triển vọng tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới là hết sức to lớn. Tận dụng triệt để các lợi thế về cắt giảm thuế quan thông qua việc thực hiện Hiệp định AITIG sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước xâm nhập thị trường của nhau mạnh mẽ hơn, do đó có triển vọng tăng lợi thế cạnh tranh về nhiều mặt hàng so với các nước khác. Lãnh đạo hai nước đã đặt mục tiêu cho trao đổi thương mại song phương đạt mức 7 tỷ USD năm 2015.

Nền kinh tế Pakistan dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, sản xuất đình đốn do thiếu chất đốt, giá cả hàng tiêu dùng trong nước tăng cao nên dự báo nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của Pakistan sẽ tăng cao trong năm 2014. Tuy nhiên, do tình hình bất ổn về kinh tế và chính trị tại Pakistan dự báo sẽ còn kéo dài, nên xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Pakistan năm 2014 dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ và tập trung vào một số mặt hàng truyền thống như chè, hải sản, cao su, hạt tiêu, hạt điều…

Từ 1/9/2013, hiệp định thương mại ưu đãi (PTA) giữa Pakistan và Indonesia bắt đầu có hiệu lực thi hành. Dự báo trong thời gian tới, sản phẩm cao su Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Pakistan và một số mặt hàng khác sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn từ phía Indonesia.

Chính phủ Sri Lanka đang đặt mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế, thương mại, hàng không, hàng hải và tri thức quan trọng của khu vực Nam Á. Đây là thị trường đầy tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với dân số trên 21 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và mức thu nhập bình quân đầu người cao trong khu vực Nam Á, thị trường mới nổi này có sức hút rất lớn.

Việt Nam và Sri Lanka khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hoạt động tại nước kia, nhất là những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như sản xuất và chế biến chè tại Việt Nam, thăm dò, khai thác và cung cấp các sản phẩm dầu khí cũng như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực này tại Sri Lanka. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD vào năm 2015.

Đối với các thị trường còn lại tại khu vực Nam Á, tiềm năng và triển vọng tăng cường quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp còn rất khả quan, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hiệu quả các thị trường này./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Buôn bán hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc đạt kỷ lục 27,3 tỷ USD
Buôn bán hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc đạt kỷ lục 27,3 tỷ USD

VOV.VN -Về tổng thể, trong năm 2013, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.

Buôn bán hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc đạt kỷ lục 27,3 tỷ USD

Buôn bán hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc đạt kỷ lục 27,3 tỷ USD

VOV.VN -Về tổng thể, trong năm 2013, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.

Việt Nam-EU đạt nhiều tiến triển trong đàm phán FTA
Việt Nam-EU đạt nhiều tiến triển trong đàm phán FTA

Ông Trương Đình Tuyển: Nếu Hiệp định được ký kết thì điều đầu tiên Việt Nam sẽ tạo ra một môi trường thông thoáng, minh bạch....

Việt Nam-EU đạt nhiều tiến triển trong đàm phán FTA

Việt Nam-EU đạt nhiều tiến triển trong đàm phán FTA

Ông Trương Đình Tuyển: Nếu Hiệp định được ký kết thì điều đầu tiên Việt Nam sẽ tạo ra một môi trường thông thoáng, minh bạch....